7

 

Xạ Duyệt bất ngờ xông vào, chỉ thẳng tay vào mặt Liễu Nhung, giận dữ quát lớn:

 

“Phì! Một con hồ ly chưa vào cửa đã mang thai, còn dám đứng trước mặt chính thê mà lớn tiếng? Cha mẹ ngươi đều mất hết rồi sao? Mới có thể dạy ra hạng vô sỉ như ngươi — một tiện nhân không biết liêm sỉ là gì!”

 

“Ngươi… ngươi dám mắng ta?!”

 

 Liễu Nhung tựa hồ không ngờ có người dám đối đầu trực diện như vậy, tức giận đến phát cuồng, nhảy dựng lên túm lấy cổ áo Xạ Duyệt:

 

 “Ta là người xuyên tới đây đấy! Đấu đá hậu viện ta đã quen rồi! Lũ đàn bà chua ngoa như ngươi, ta còn lạ gì?!”

 

Xạ Duyệt bị siết chặt đến đỏ bừng cả mặt. Ta lập tức nhào tới, nắm lấy cổ tay nàng ta:

 

 “Buông ra.”

 

“Tránh ra!”

 

 Liễu Nhung hất mạnh tay, ta mất đà ngã về sau, lưng va mạnh vào góc bàn.

 

Một cơn đau nhói xé dọc bụng dưới như có dao cắt, dòng máu nóng từ hạ thân chảy ào ạt, nhanh chóng nhuộm đỏ vạt y phục.

 

Liễu Nhung chết sững, lập tức buông tay khỏi Xạ Duyệt, sắc mặt tái mét, ánh mắt nhìn ta đầy hoảng loạn:

 

“Mẹ nó… giở trò hả? Cô cố tình hại ta đúng không?!”

 

“Đại phu! Mau gọi đại phu!” – Xạ Duyệt thất thanh kêu gào.

 

Đại phu chờ bên ngoài nghe tiếng, vội vàng xông vào.

 

 Đám nha hoàn đi theo Liễu Nhung cũng ngây ngẩn cả người, căn phòng thoắt cái trở nên hỗn loạn.

 

“Ồ! Thì ra là bày trò giả mang thai để vu hãm ta? Diễn giỏi đấy! Sao không lên sân khấu mà múa?”

 

 Liễu Nhung khoanh tay, nhướng mày cười khẩy, thần sắc chẳng chút hoảng sợ, như thể tất cả đều nằm trong tính toán của nàng ta.

 

“Xong rồi! Mau đi báo với tướng quân!”

 

 Đại phu hoảng hốt hét lớn, ra sức sai bảo bọn nha hoàn.

 

Thẩm Như Thế nghe tin liền vội vàng chạy đến.

 

Liễu Nhung lập tức nhào đến, nắm lấy tay áo chàng, giọng tức giận như bị xúc phạm:

 

“Nàng ta cố ý giở trò! Nhất định là muốn vu oan cho ta!”

 

“Đừng xúc động, cẩn thận động thai khí.”

 

 Chàng nắm lấy tay nàng ta, giọng dịu dàng đầy lo lắng.

 

Đại phu thoáng chần chừ một chút, sau cùng vẫn tiến lên bẩm báo tình hình.

 

 Chàng nắm tay Liễu Nhung càng chặt, trên mặt hiện rõ vẻ căng thẳng.

 

 Mãi cho đến khi đại phu chậm rãi nói ra kết luận — rằng đứa trẻ trong bụng ta đã không thể giữ được nữa — lúc ấy, chàng mới thở ra một hơi thật dài, nhẹ nhõm như trút được gánh nặng.

 

Quả nhiên, một đứa trẻ không được trông đợi… chẳng nên đến với thế gian này.

 

“Ngươi… ngươi cùng nàng ta…”

 

 Liễu Nhung nước mắt lưng tròng, cắn môi, nhìn chàng với ánh mắt đầy kinh ngạc và phẫn nộ:

 

 “Ngươi thật bẩn thỉu.”

 

Thẩm Như Thế vội nắm lấy tay nàng ta, cuống quýt giải thích:

 

 “Lúc ấy ta chưa biết yêu là gì… Là nàng, chính nàng đã dạy ta biết yêu. Cả đời này, ta chỉ yêu một mình nàng.”

 

Chàng nói những lời thâm tình ấy, với vẻ mặt thành khẩn, ngay trước giường bệnh của người vợ vừa mới mất con — không chút do dự.

 

Đại phu tròn mắt, rồi chỉ lặng lẽ lắc đầu nhìn ta một cái, chẳng nói nửa lời, phất tay áo rời khỏi phòng.

 

Xạ Duyệt mắt đỏ hoe, giọng đầy căm giận:

 

 “Thiếu gia… đó cũng là cốt nhục của người.”

 

Sắc mặt Thẩm Như Thế chợt cứng đờ, ánh mắt tối lại, lạnh lùng liếc nhìn Xạ Duyệt.

 

Liễu Nhung ra vẻ hiểu chuyện, quay sang nói:

 

 “Cô nên nghĩ thoáng một chút, họ vốn đã định ly hôn, đứa trẻ không còn, cũng coi như giải thoát. Là phúc chứ không phải họa.”

 

“Ngươi… nói thế mà cũng nói ra được?”

 

 Xạ Duyệt giận đến run người, gào lên:

 

 “Ngươi đang mang thai mà dám buông lời độc ác như vậy, không sợ tổn âm đức, khiến đứa trẻ của ngươi chịu báo ứng hay sao?!”

 

Ta muốn đưa tay ngăn con bé, nhưng cơn đau dữ dội khiến ta không thể phát ra tiếng, chỉ còn những âm thanh méo mó, khản đặc như tiếng cười nghẹn đắng.

 

“Con tiện tỳ này!”

 

 Thẩm Như Thế tức giận giơ tay, tát thẳng lên mặt Xạ Duyệt, khiến con bé ngã quỳ xuống đất.

 

Nó ngẩng đầu nhìn chàng, ánh mắt tràn đầy kinh ngạc không thể tin nổi.

 

Chàng cũng thoáng sững lại, tựa hồ nhận ra bản thân đã ra tay quá nặng, nhưng nét áy náy nơi khóe mắt chỉ lướt qua trong chớp mắt.

 

 Chàng hạ giọng, lạnh lùng ra lệnh:

 

“Ngươi có nói thêm cũng vô dụng. Đi xem cô ta thế nào đi.”

 

“Cô ta.”

 

 Bảy năm phu thê, cuối cùng, trong miệng chàng, ta chỉ còn lại hai tiếng ấy – “cô ta”.

 

Xạ Duyệt không đáp, không nhìn chàng.

 

 Chỉ lặng lẽ lau vết máu nơi khóe môi, rồi đứng dậy, quay về bên giường ta.

 

Con bé từng là đứa trẻ ăn xin bên đường, được Thẩm Như Thế cứu vớt.

 

 Trong lòng nó, chàng là ân nhân, là ánh mặt trời, là niềm hy vọng đầu tiên trong kiếp sống tối tăm.

 

 Nó một mực trung thành với ta, có lẽ cũng bởi vì lòng tin vào chàng chưa từng đổi thay.

 

Thế nhưng, cái tát ấy – đã khiến nó hoàn toàn tỉnh mộng.

 

Một người đàn ông có thể vì tình nhân mà ruồng rẫy vợ mình, có thể trơ mắt nhìn con ruột mất đi, thậm chí đánh cả một tiểu nha hoàn trung thành – thì liệu còn điều gì mà hắn không dám làm?

 

Dù sự việc diễn ra không đúng theo dự liệu, kết cục… vẫn không thay đổi.

 

 Đứa trẻ — đã không còn.

 

Liễu Nhung thì khóc lóc ầm ĩ, chẳng rõ là để né tội, hay vì thật sự tin rằng ta vu hãm nàng ta.

 

 Thẩm Như Thế đứng ngay trước mặt ta, ôm nàng vào lòng, dỗ dành hồi lâu.

 

 Cuối cùng, chàng dìu nàng rời đi, ôn nhu như thể chẳng có chuyện gì vừa xảy ra.

 

Xạ Duyệt từng một lần đi cầu kiến Thẩm lão gia và phu nhân, nhưng cả hai đều tránh mặt, không chịu gặp.

 

 Từ đó về sau, con bé cũng không còn nhắc đến việc đòi công bằng cho ta nữa.

 

8

 

Ta nằm lặng trên giường, sau cơn đau như xé toạc thân thể, toàn thân tựa như trôi nổi giữa cõi hư vô.

 

Gương mặt phụ thân, mẫu thân, đệ đệ… cùng những hình ảnh mơ hồ đã phai nhạt theo năm tháng, thoắt cái lướt qua trước mắt ta như một đoạn phim tua nhanh.

 

Đêm ấy, Thẩm Như Thế đến.

 

Có lẽ do cơ thể quá suy kiệt, ta chỉ cảm thấy chàng mang theo một luồng gió lạnh — lạnh đến thấu tim.

 

Chàng mở miệng:

 

 “Nhung nhi tính tình bộc trực, hành động lỗ mãng… nàng ấy không phải cố ý.”

 

Không cố ý… thì sao?

 

Liễu Nhung không cố ý khiến ta sảy thai, nên ta phải độ lượng tha thứ, không được oán giận, không được chất vấn lấy một lời?

 

Chàng lại hỏi:

 

 “Vì sao nàng có thai mà không nói cho ta?”

 

Ngữ khí oán trách, mang theo chút bất mãn như thể người sai là ta.

 

Rõ ràng đứa bé không phải điều chàng mong đợi, nhưng nay lại muốn đẩy toàn bộ trách nhiệm sang vai ta?

 

Ta nhìn chàng, giọng yếu ớt, nhưng từng lời rõ ràng:

 

 “Tối qua, chẳng phải chính tướng quân đã đưa đại phu đi rồi sao?”

 

Là chàng đuổi người đi.

 

 Là chàng, sau đó còn mắng ta miệng lưỡi sắc sảo, rằng một người như ta thì làm sao mắc bệnh được.

 

Thẩm Như Thế nhíu mày, hồi lâu mới gượng mở lời:

 

 “…Việc này, là ta sai. Nhưng mà, cũng là bởi vì nàng…”

 

“Bởi vì ta thế nào?”

 

 Ta ngắt lời, giọng gằn từng chữ:

 

 “Vì ta không biết điều? Không chịu chủ động từ hôn? Không chịu ngoan ngoãn dọn ra Tây Viên như người mong muốn?”

 

Nói xong, ta thở gấp, từng hơi như thiêu đốt nơi ngực.

 

Thẩm Như Thế bị lời ta làm cho bối rối, ánh mắt né tránh, không dám nhìn thẳng.

 

Đúng lúc ấy, Xạ Duyệt bưng thuốc bước vào.

 

 Chàng liền đứng dậy, giống như tránh lửa bỏng, vội vã rời đi không quay đầu lại.

 

 

 

Sáng hôm sau, Liễu Nhung lại tới.

 

Xạ Duyệt định ngăn nàng ta ngoài cửa, nhưng ta giơ tay ra hiệu để nàng cho vào.

 

Liễu Nhung bước vào với bộ dạng như thể đến để làm phúc, trong tay mang theo một bình thuốc, cười cười:

 

 “Thuốc này là dược phương bí truyền, uống vào ngày mai sẽ khỏe lại như chưa từng bị thương.”

 

Nàng ta còn nói lời xin lỗi — nhưng là loại xin lỗi không chút thành ý, chỉ cốt để bản thân dễ chịu.

 

 Nàng không quan tâm ta đau thế nào, sống chết ra sao, nàng chỉ muốn có thể đường hoàng sống yên trong vỏ bọc “người tốt”.

 

Ta nhận lấy bình thuốc, Xạ Duyệt hốt hoảng ngăn lại:

 

 “Phu nhân, cẩn thận trong đó có độc!”

 

Ta khẽ cười:

 

 “Sẽ không đâu.”

 

Ta đã mất đứa con ấy, và hôm đó, chính đại phu cũng chứng kiến Thẩm Như Thế và Liễu Nhung tình tứ bên giường bệnh của ta.

 

 Nếu ta chết đi lúc này, thiên hạ chỉ cần dùng nước miếng cũng đủ nhấn chìm thanh danh của cả nhà họ Thẩm.

 

Vả lại, ta nằm thêm một ngày, việc Thẩm Như Thế bỏ vợ sẽ chậm lại một ngày.

 

 Liễu Nhung có thể đợi, nhưng cái thai trong bụng nàng ta thì không.

 

Nàng từng nói, nhất quyết không làm thiếp, tuyệt đối không chia sẻ phu quân với người khác.

 

 Nàng có thể quyến rũ trượng phu của người khác, chưa cưới đã mang thai — nhưng lại rất để tâm đến danh phận chính thê, không muốn con mình là con riêng.

 

Thật là… mâu thuẫn biết bao.

 

Thuốc nàng ta mang quả thực có hiệu nghiệm.

 

 Ngày hôm sau, ta đã có thể xuống giường đi lại.

 

Lúc ấy, Thẩm lão gia và phu nhân mới chịu tới thăm.

 

Thấy ta hồi phục, hai người đều tỏ ra nhẹ nhõm, không ngớt lời ca ngợi y thuật cao minh của Liễu Nhung.

 

Cơ thể ta dường như hồi phục rất nhanh — nhanh đến mức khiến người ta có cảm giác… đứa bé kia, thật sự chưa từng tồn tại.

 

Thẩm lão gia cùng phu nhân nắm tay ta, nói rằng họ luôn coi ta như con gái ruột. Dù sau này thế nào, cũng sẽ mãi là người một nhà.

 

Sau này — hai chữ ấy, trong lòng ai nấy đều hiểu rõ mang ý gì.

 

Một người nói, một người tiếp, ăn ý như vậy — đến tận giờ ta vẫn thấy ngưỡng mộ.

 

Năm xưa ta khăng khăng đòi gả cho Thẩm Như Thế, một phần cũng vì từng nghe rằng phụ mẫu chàng là đôi phu phụ gắn bó thủy chung, chưa từng dung nạp người thứ ba.

 

 Ta từng ngây ngốc cho rằng, ta và Thẩm Như Thế rồi cũng sẽ giống như họ.

 

Sau khi họ rời đi, ta nói với Xạ Duyệt rằng, ta đã quyết định — sẽ tự xin từ hôn.

 

Ta bảo con bé đi mời Thẩm Như Thế đến gặp.

 

Lần này, Xạ Duyệt không khuyên can ta như trước.

 

 Con bé chỉ gật đầu, xoay người bước đi, dáng vẻ trầm tĩnh như thể đã chuẩn bị sẵn cho ngày hôm nay.

 

Ta từng cố chấp muốn nghe chính miệng Thẩm Như Thế nói ra hai chữ “bỏ vợ”, là vì muốn giữ lại chút tự tôn cuối cùng.

 

 Nhưng từ khoảnh khắc thấy Xạ Duyệt bị đánh, ta đã hiểu — điều đó không còn ý nghĩa gì nữa rồi.

 

Năm ấy, vì gả cho Thẩm Như Thế, ta đoạn tuyệt quá khứ, một thân một mình rời xa quê hương, đến Kim Lăng không người thân thích, không đường lui.

 

Nếu nhà họ Thẩm thật sự tuyệt tình, ta quả thực… không chống đỡ nổi.

 

Ta từng tận mắt chứng kiến một nam nhân đã hết tình, có thể nhẫn tâm đến thế nào để rũ bỏ người đàn bà hắn không còn cần đến.

 

 Đối với Thẩm Như Thế, ta đã chẳng còn kỳ vọng.

 

Đây là con đường ta tự mình chọn, là ngõ cụt do chính ta bước vào.

 

 Là ta ngu ngốc, là ta phải chịu.

 

Nhưng… cớ gì phải kéo theo cả Xạ Duyệt, để con bé cùng ta gánh chịu nỗi đau này?

 

9

 

Thẩm Như Thế đến rất nhanh.

 

 Trong ánh mắt chàng, sự hân hoan và nhẹ nhõm gần như không thể che giấu — cứ thế bày ra trước mặt ta, không kiêng dè.

 

Ta nói:

 

 “Ta không có lỗi, vậy nên không cần tờ ‘bỏ vợ’. Chỉ cần một tờ hòa ly thư là đủ.”

 

Chàng lập tức gật đầu.

 

 Lúc nhắc đến đứa bé, chàng nói sẽ ghi khắc trong lòng, mang theo nỗi cảm kích này suốt đời.

 

Đứa con hữu duyên vô phận kia, cuối cùng cũng bị biến thành một cái cớ — để gia tăng phần áy náy trong lòng Thẩm Như Thế, như một trọng lượng tượng trưng, không hơn.

 

Khi nói đến đứa nhỏ, khóe môi chàng gắng gượng nhếch lên, như đang tỏ ra dịu dàng.

 

 Thế nhưng cái vẻ diễn đạt ấy lại ngô nghê tựa như trò múa rối vụng về, khiến ta nhịn không được mà bật cười khẽ.

 

“Cô… cô cười cái gì?”

 

Chàng lập tức lùi lại một bước, ánh mắt cảnh giác nhìn ta chăm chăm, như thể ta là một kẻ có thể hãm hại bất cứ lúc nào.

 

Xem ra, Liễu Nhung thật sự đã thì thầm bên gối không ít lời.

 

Ngay cả chuyện ta sảy thai, chàng cũng tin là do ta cố ý — để vu vạ cho nàng ta.

 

Bảy năm làm vợ chồng, cuối cùng chàng lại lựa chọn tin một người chỉ mới quen ba tháng, chứ không tin ta.

 

Trước kia, ta vẫn nghĩ — dẫu đường ai nấy đi, thì ít nhất chúng ta cũng từng thật tâm với nhau.

 

Nhưng thì ra, trong mắt chàng, ta chỉ là một nữ nhân ti tiện, đến cả đứa con cũng có thể đem ra làm công cụ để hãm hại kẻ khác.

 

Bảy năm… hóa ra chỉ là một giấc mộng đơn phương mà ta tự mình dựng lên, tự mình lưu luyến không buông.

 

Ta phất tay, cố nén ý cười nơi khóe môi:

 

 “Hòa ly thư, tướng quân mau viết đi.”

 

Giọng ta nhẹ nhàng như ngày trước, khi chàng cứ nhất mực đòi tự tay vẽ chân mày cho ta, còn ta bị làm phiền đến hết cách.

 

Thẩm Như Thế thoáng ngẩn người.

 

 Ánh mắt chao đảo giữa ngập ngừng, khó xử và bất an, nhưng rất nhanh liền dập tắt tất cả, bước tới án thư.

 

Nếu chàng chịu để tâm một chút thôi, thì đã sớm nhận ra — kể từ khi dẫn Liễu Nhung vào phủ, ta chưa từng gọi chàng là “phu quân” thêm lần nào.

 

Xạ Duyệt đã chuẩn bị sẵn giấy tuyên, nghiên mực đã đầy.

 

Tay cầm bút của Thẩm Như Thế từng vẽ mày cho ta, giờ lại chính tay viết xuống chữ nghĩa đoạn tình.

 

 Vì một nữ nhân khác, dùng chính bàn tay ấy để đuổi ta ra khỏi phủ.

 

Thứ dễ thay đổi nhất trên đời, chính là lòng người.

 

Nội dung hòa ly thư dường như đã được chàng chuẩn bị từ trước.

 

 Hạ bút xong, chẳng mất đến một khắc.

 

Ta cầm bản thảo đọc qua, sau đó nói thêm:

 

 “Xạ Duyệt, sẽ đi theo ta.”

 

Đây là việc ta và Xạ Duyệt đã bàn bạc cả một đêm.

 

 Một khi theo ta rời khỏi nơi này, con bé sẽ cắt đứt hết thảy với nhà họ Thẩm.

 

 Thân phận đại nha hoàn cũng sẽ không còn.

 

Ta đã dặn kỹ, nếu theo ta, cả đời này e rằng chỉ toàn là ngày tháng khốn khó.

 

 Con bé không chút do dự, đáp lời ngay trong đêm.

 

Với người, khi ánh sáng mà bản thân từng ngước nhìn rốt cuộc cũng chỉ là ảo ảnh… thì còn gì để níu giữ nữa?

 

Nghe ta nói muốn mang theo Xạ Duyệt, Thẩm Như Thế lên tiếng:

 

 “Sau này nàng chuyển sang Tây Viên, cứ để Xạ Duyệt theo hầu. Ăn mặc chi dụng, đều như cũ.”

 

Ta không đáp, chỉ nhắc lại lời mình, bảo chàng ghi rõ từng chữ vào trong hòa ly thư.

 

Thẩm Như Thế bật cười, giọng đầy châm biếm:

 

 “Con gái nhà buôn… quả thật khéo tính toán.”

 

Nhưng rồi, chàng vẫn viết.

 

Hòa ly thư hoàn tất. Chúng ta cùng ký tên, điểm chỉ.

 

Năm đó để có được một danh phận, ta phải dốc hết sức lực, mới có thể đem tên mình ghi vào hôn thư.

 

 Không ngờ, ký tên ly hôn hôm nay… lại dễ dàng hơn ta từng tưởng.

 

Thẩm Như Thế rõ ràng tâm trạng nhẹ nhõm, thần sắc thư thái hơn hẳn.

 

 Chàng liếc quanh phòng rồi cười nói:

 

“Tây Viên đã được dọn dẹp xong. Ta sai người tới giúp nàng chuyển đi.”

 

Xạ Duyệt đỡ ta dậy, cả hai chúng ta đều không buồn đáp lại, chỉ lặng lẽ bắt đầu thu dọn.

 

Ngày gả vào phủ, của hồi môn bị quy đổi thành ngân lượng.

 

 Thứ ta có thể mang theo lúc này, chẳng còn bao nhiêu.

 

Thẩm Như Thế thấy vậy càng thêm hài lòng. Mà khi chàng vui, lại đặc biệt nhiều lời:

 

“Nhung nhi không phải người hay ghen. Nàng ấy sẽ không làm khó đâu. Hai người tiếp xúc nhiều, có khi còn thành tỷ muội tốt.

 

 Ta… ta cũng sẽ thường xuyên sang Tây Viên thăm nàng.

 

 Chờ khi Nhung nhi sinh xong, ta sẽ thương lượng với nàng ấy… Dù gì chúng ta từng là vợ chồng, ta vẫn không nỡ xa nàng…”

 

Ý chàng là… đợi Liễu Nhung sinh xong, sẽ xin nàng ta cho ta làm thiếp?

 

Thật đúng là: vợ chồng một hồi, rốt cuộc vẫn chẳng bỏ được nhau.

 

Câu nói vừa đáng thương vừa trịch thượng — khiến người nghe buồn nôn đến tận xương tủy.

 

Cái gọi là “thâm tình” trong lòng Thẩm Như Thế, e là đến chính chàng cũng tự cảm động đến rơi lệ.

 

 Còn ta chỉ thấy như đang nghe một đứa trẻ con lảm nhảm không biết trời cao đất rộng — vừa buồn cười, vừa đáng giận.

 

Choang!

 

Xạ Duyệt ném mạnh một món đồ xuống đất.

 

 Tiếng va chạm vang dội khiến Thẩm Như Thế cuối cùng cũng chịu ngậm miệng, quay lại nhìn với ánh mắt đầy bất mãn.

 

Chưa kịp để chàng mắng, ta đã cất tiếng hỏi:

 

“Thưa tướng quân, Tây Viên… có hoa đào không?”

 

Chàng từng nói, đợi khi hoa đào nở… chàng sẽ trở về.

 

Chẳng rõ chàng còn nhớ không.

 

Nhưng giờ nhớ hay không… cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi.

 

Thẩm Như Thế sững người trong thoáng chốc, rồi mím môi, giọng lạnh băng:

 

“Tây Viên không có nắng… càng không có hoa đào!”

 

Từng chữ, như dao cắt.

 

Ta gật đầu, cười nhẹ, đeo gói hành lý Xạ Duyệt vừa thu dọn lên lưng.

 

 Không thèm liếc chàng lấy một lần, chỉ nói:

 

“Đa tạ tướng quân đã ban cho tiểu nữ bảy năm mộng đẹp.

 

 Từ nay… xin không làm phiền quý phủ nữa.”

 

10

 

“Cô thật sự muốn đi sao?”

 

Vừa bước đến ngưỡng cửa, cổ tay liền bị Thẩm Như Thế giữ chặt.

 

“Đương nhiên.”

 

 Ta đáp, lời này chẳng phải quá rõ ràng rồi sao?

 

“Nhà cô tận Đông Đô, còn có thể đi đâu được nữa?”

 

“Chuyện đó… không phiền tướng quân bận tâm.”

 

 Ta mỉm cười, giọng nhàn nhạt.

 

“Ta đã nói rồi,” chàng vội nói, “ta chưa từng có ý đuổi nàng đi.

 

 Chỉ là… sau khi ta và Nhung nhi thành thân, nếu nàng vẫn ở lại Đông Viên, tất sẽ không tiện.

 

 Ta mới đề nghị nàng chuyển sang Tây Viên mà thôi.

 

 Cho dù dọn đi, ăn mặc chi dụng vẫn như cũ. Nàng không tin ta sao? Cho rằng ta là hạng người bạc tình vô nghĩa sao?”

 

Không phải vậy sao?

 

Một người có thể vì nữ nhân chỉ mới quen ba tháng mà vứt bỏ thê tử đầu ấp tay gối suốt bảy năm — gọi là trọng tình sao?

 

Một người khi cốt nhục chưa thành hình đã mất, không chút đau xót, thậm chí còn nhẹ nhõm thở dài — gọi là có lương tâm sao?

 

Giữa cái vẻ ngoài đường hoàng và lòng dạ bạc lạnh, nếu ta vạch trần, chàng cũng chỉ biết nổi giận mà thôi.

 

“Ta từng nói rồi,” ta bình thản trả lời, “tướng quân là người trọng tình trọng nghĩa.”

 

“Chỉ là… giờ đã hòa ly, thì giữa đôi bên cũng không còn ràng buộc gì nữa.

 

 Ta ở lại Thẩm phủ, đã chẳng còn lý do.”

 

“Không còn ràng buộc?”

 

Thẩm Như Thế trừng lớn mắt, tựa như bị đả kích.

 

“Nàng nói… giữa ta và nàng không còn liên quan gì nữa sao?”

 

Chàng vốn mang đôi mắt đào hoa, dù khi giận dữ cũng dễ khiến người ta lầm tưởng là dịu dàng sâu nặng.

 

 Nhưng đôi mắt mà ta từng say mê suốt bảy năm ấy, giờ nhìn lại — chỉ là vỏ ngoài trống rỗng, mỹ lệ mà vô hồn.

 

Ta nhìn thẳng vào mắt chàng, không hờn, không giận:

 

 “Đúng vậy.”

 

Chàng buông tay ta ra như bị gió lạnh thấu xương thổi tới.

 

Đến tiền sảnh, ta thấy Thẩm lão gia và phu nhân đang cùng Liễu Nhung ngồi đó, tiếng cười của họ vang vọng cả hành lang.

 

 Không rõ nàng ta vừa kể gì mà bầu không khí phấn khởi đến thế.

 

Bốn nha hoàn theo hầu Liễu Nhung lập tức cảnh giác, vây chặt lấy nàng ta như đang bảo vệ một món trân bảo.

 

“Di Di… chuyện này là sao? Con thật sự định rời đi ư?”

 

 Thẩm lão gia nhìn gói hành lý sau lưng ta, do dự lên tiếng.

 

“Di Di à, mẫu thân từng nói, dẫu sau này có thế nào, thì con vẫn là con gái của mẹ…”

 

 Thẩm phu nhân vừa nói, vừa lấy khăn lau nước mắt.

 

Bọn họ lúc này, nhìn qua thật giống như chưa từng bàn bạc suốt một đêm để ép ta rời phủ vậy.

 

Ta cúi người hành lễ, giọng ôn hòa mà xa cách:

 

 “Tạ ơn Thẩm lão gia và Thẩm phu nhân đã chiếu cố những năm qua.”

 

Rồi ta và Xạ Duyệt lặng lẽ rời khỏi đại môn Thẩm phủ.

 

Từ nỗi hoảng loạn khi hay tin Liễu Nhung nhập phủ, đến niềm bi thương vì bảy năm nghĩa phu thê bị chối bỏ, rồi đến cuối cùng là dứt khoát hòa ly — bao nhiêu cảm xúc, đều đã tiêu tan trong hai ngày ngắn ngủi.

 

Mỗi bước chân ta rời đi, trong lòng cũng nhẹ dần một phần.

 

Thẩm Như Thế lại đuổi theo, giọng nói đã lấy lại vẻ bình ổn:

 

 “Nàng… đã có nơi để đến chưa?

 

 Về phần sính lễ và hồi môn, vốn nên trả lại nàng.”

 

“Không cần tướng quân bận tâm.

 

 Sính lễ… đã sớm đổi thành bạc trắng rồi.”

 

 Ta khẽ đáp, giọng nhẹ như gió.

 

“Hồi nào? Khi nào nàng đổi?”

 

Ánh mắt chàng trừng lớn, đầy phẫn nộ.

 

“Ngay ngày chàng đồng ý để Liễu Nhung ở lại phủ.”

 

 Ta trả lời, từng chữ như kim châm lạnh buốt.

 

 “Nếu ngày đó chàng nói hòa ly, thì đã chẳng xảy ra những chuyện sau này.”

 

“Thì ra… nàng từ đầu đã muốn hòa ly với ta!”

 

Đôi mắt Thẩm Như Thế đỏ ngầu, giọng nói như muốn thiêu đốt cả không gian, cứ như thể kẻ phụ tình là ta.

 

“Ta và cô Liễu, có lẽ chẳng thể thành tỷ muội, nhưng có một điều… chúng ta giống nhau.”

 

 Ta nhìn về phía cánh cổng lớn đang mở rộng:

 

 “Đó là — ta cũng không bao giờ chấp nhận chuyện chung chồng với người khác.”

 

Thẩm Như Thế chết sững, ánh mắt ngỡ ngàng, cả người cứng đờ.

 

Có lẽ chàng chưa từng nghĩ, ta lại có thể tuyệt tình đến thế.

 

 Không khóc lóc, không oán giận, không níu kéo.

 

Kỳ thực… ta vốn luôn là người như vậy.

 

Thà ngọc nát, còn hơn ngói lành.

 

Phụ thân từng nói, tính cách ấy của ta là không tốt, quá cứng rắn, về sau sớm muộn gì cũng chịu thiệt thòi.

 

Nhưng — so với việc sống một đời cúi đầu nhẫn nhịn, cam chịu hèn mọn…

 

 Ta thà đau đớn một lần, còn hơn sống mãi trong nhục nhã không tên.

 

**11**

 

 

 

Phần của hồi môn còn sót lại của ta chẳng được bao nhiêu. Lúc bán lại quá vội vàng, cuối cùng chỉ đổi được vỏn vẹn hai mươi lượng bạc trắng.

 

 

 

Ta cùng Xạ Duyệt tìm đến một căn nhà gỗ rẻ tiền nơi ngoại ô, giấu tên đổi họ, sống qua ngày bằng nghề khâu vá thuê. 

 

Chốn này phần lớn đều là dân buôn kẻ bán, người nghèo mưu sinh. Tuy hay so đo tính toán từng đồng, nhưng khi có người hoạn nạn, lại chẳng ngại dang tay giúp đỡ.

 

 

 

Tính cách Xạ Duyệt rất hợp với nơi này — hôm nay có thể vì chuyện nhỏ mà cãi nhau ầm ĩ, sáng hôm sau lại cùng nhau gom đồ phơi nắng, chẳng còn để bụng gì.

 

 

 

Về sau, một bà lão nhờ ta viết giúp bức thư gửi người thân. 

 

Từ đó, ta bắt đầu có việc chép thư thuê. 

 

Người trong làng thấy ta biết chữ, liền nhờ ta dạy lũ trẻ đọc sách, học tính toán.

 

 

 

Ta không mong vinh hoa, chỉ cầu ba bữa cơm đủ no, chi tiêu dè sẻn mà an lành qua ngày. 

 

Nửa năm trôi qua, thậm chí ta và Xạ Duyệt còn dành dụm được hai lượng bạc.

 

 

 

Mùa đông tới, ngồi bên bếp lửa nghe tiếng trẻ con ê a đọc sách, ta thường ngỡ như mình đang sống trong một giấc mộng xa xưa nào đó — một giấc mộng bình dị.

 

 

 

Thế nhưng cuối năm, giấc mộng ấy bất ngờ vỡ tan.

 

 

 

Một toán binh sĩ trong giáp phục lộng lẫy bất ngờ xông vào làng, khiến cả xóm náo loạn. 

 

Người dẫn đầu là một công tử trẻ tuổi vận áo bào tím, khoác áo choàng lông cáo trắng, đôi mắt phượng sắc như lưỡi dao, ánh nhìn cao ngạo, dung mạo tuấn mỹ mà lạnh lẽo.

 

 

 

Chỉ liếc qua ta một cái, ánh mắt hắn lập tức dừng trên người Xạ Duyệt, rồi không chút do dự khom người hành lễ.

 

 

 

Đám binh lính phía sau cũng quỳ rạp xuống, đồng thanh hô lớn:

 

 

 

**“Cung nghênh công chúa điện hạ!”**

 

 

 

Hóa ra… Xạ Duyệt chính là công chúa thất lạc của Nam triều, khi tiên đế từng phải bỏ kinh, tháo chạy khỏi hoàng cung năm xưa.

 

 

 

Cảnh tượng ấy khiến Xạ Duyệt sợ đến ngơ ngác nhìn ta, ánh mắt hoảng hốt không chút vui mừng.

 

 

 

Ta vỗ nhẹ vai con bé: 

 

“Đi đi.”

 

 

 

Chuyện tốt như thế, chí ít nó sẽ không còn phải chịu khổ cùng ta nữa.

 

 

 

Xạ Duyệt bị hộ vệ vây quanh đưa ra xe ngựa. 

 

Con bé vừa bước lên, như nhớ ra điều gì, liền quay đầu nhìn lại.

 

 

 

Ta vẫy tay, không nói gì thêm.

 

 

 

Nó là công chúa — đó là mệnh của nó. 

 

Còn ta, là nữ nhân bị bỏ rơi — cũng là mệnh của ta.

 

 

 

Nước mắt ngân ngấn nơi khóe mắt Xạ Duyệt, đôi môi mím chặt, rồi lặng lẽ bước lên xe.

 

 

 

Lần này đi… e là vĩnh biệt thật rồi.

 

 

 

Ta quay người, nhìn đống rau củ đang muối dở trong góc, vô thức ôm lấy, rồi lại buông xuống.

 

 

 

Công chúa… chắc sẽ không còn ăn những thứ thế này nữa.

 

 

 

“Chỉ vì nàng một mực đòi hủy hôn, mới ra nông nỗi này, nàng có biết không?”

 

 

 

Sau lưng vang lên một giọng nam lạnh lẽo, mang theo tiếng cười khẩy đầy mỉa mai.

 

 

 

Tên công tử áo tím ấy vẫn đứng đó, ánh mắt khinh thường không hề che giấu.

 

 

 

*Lục Nguyên Phong…*

 

 

 

Ta suýt chút nữa đã quên mất — trên đời này vẫn còn một kẻ như hắn.

 

 

 

Từng là hôn phu ta chưa kịp thành thân.

 

 

 

Bao năm trôi qua, tính tình hắn vẫn vậy — không châm chọc đôi câu thì như thể ngứa ngáy toàn thân.

 

 

 

“Tể quan đại nhân, nếu không có việc gì, xin mời rời khỏi.” 

 

Ta chẳng buồn giữ lễ, tiện tay cầm chổi quét thẳng vào chân hắn.

 

 

 

Hắn lập tức túm lấy cổ tay ta, kéo ta lại gần:

 

 

 

“Là Thị lang! Hiện giờ ta là Thị lang bộ Lại.”

 

 

 

“…Vậy thì, chúc mừng.”

 

 

 

“Đường đường là trưởng nữ của Thượng thư bộ Binh, cuối cùng lại sa cơ đến mức này? 

 

Vì tên Thẩm Như Thế kia mà ruồng bỏ ta, giờ hối hận chưa?”

 

 

 

“Ta hủy hôn… không phải vì Thẩm Như Thế.” 

 

Ta đáp, giọng bình tĩnh, sửa lại lời hắn.

 

 

 

“Đúng rồi,” hắn bật cười, “chỉ vì ta mỉm cười với một hoa khôi, nàng liền đòi lui thân. Tô Di Di, nàng thấy nực cười không?”

 

 

 

Giọng hắn nghiến răng nghiến lợi, mà đuôi mắt lại cong cong, như đang cười khẩy. 

 

Nụ cười nơi mắt hắn, không lạnh, mà độc.

 

 

 

Ta cụp mắt, không muốn nhìn thêm. 

 

Bảy năm trước ta đã biết — đối thoại với hắn chẳng khác nào gảy đàn cho trâu.

 

 

 

Ta là người không thể chấp nhận dù chỉ một hạt cát trong mắt. 

 

Còn hắn thì cho rằng ta ngang bướng, chuyện bé xé ra to.

 

 

 

Thấy ta không đáp, hắn cúi đầu nhìn bàn tay ta — nơi có những vết chai dày vì khâu vá — thoáng cau mày, rồi buông tay.

 

 

 

Nồi cháo trên bếp suýt khê, ta vội vã bưng xuống, múc phần cháo ta nấu cho Xạ Duyệt.

 

 

 

Nhưng con bé… đã không còn cơ hội ăn bát cháo này nữa.

 

 

 

Sống mũi cay xè, nước mắt dâng lên nhưng chẳng thể rơi xuống — còn có người ngoài, không thể yếu đuối.

 

 

 

Lục Nguyên Phong nhìn ta, thở dài một tiếng, rồi ngang nhiên vén áo, ngồi phịch xuống ghế, thái độ chẳng khác nào đang ở nhà mình.

 

 

 

Thấy ta liếc nhìn, hắn liền giả bộ ho nhẹ, làm ra vẻ nghiêm túc: 

 

“Sao vậy? Bạn cũ lâu năm gặp lại, chẳng lẽ không mời ta bữa cơm sao?”

 

 

 

Ừm… 

 

Lý do ấy — nghe ra, cũng có vài phần đạo lý thật.