20
Những ngày du học, thật sự rất vui.
Anh cả dẫn tôi đi qua biết bao sông núi, tới không ít thư viện và học viện tư thục.
Để không gây phiền cho anh, tôi bỏ lại váy lụa rực rỡ, thay bằng áo vải mộc mạc, đi đường cũng chọn cách đơn giản nhẹ nhàng.
Ngày nào cũng cảm thấy tinh thần sảng khoái, bao uất ức trong lòng như tan biến không còn.
Những tranh đấu, toan tính trong hậu viện, dưới núi non trùng điệp và cảnh vật bao la, đều trở nên nhỏ bé vô nghĩa.
Khi không đi nghe giảng cùng anh, tôi lang thang phố phường vẽ tranh.
Phong tục, con người, ngõ nhỏ đường quê, thấy gì vẽ nấy.
Trước đây tôi cũng rất thích vẽ những thứ đó, nhưng cha lại bảo tranh tôi vẽ không đứng đắn, ép tôi phải học vẽ theo kiểu quy phạm của các họa sư chính thống.
Cuối cùng dở dang chẳng tới đâu, những ràng buộc khuôn phép làm tôi mất hết cảm hứng.
Khiến tôi nhiều năm chẳng buồn đụng đến cọ vẽ nữa.
Nhưng bây giờ thì khác, tôi vui vẻ mỗi ngày, muốn vẽ gì thì vẽ.
Cảm hứng ngày nào tưởng đã mất, lại từng chút quay về.
Anh cả tùy ý lật xem bản thảo của tôi, ánh mắt dần dần hiện lên vẻ kinh ngạc.
Họa Tĩnh Đình gửi thư rất chăm, lúc tôi lười viết, tôi gửi vài bức tranh chibi cho cậu ta.
Lúc thì cảnh chợ đông đúc, lúc thì là góc nhìn từ trên cao xuống dòng người tấp nập, lúc lại là nhành hoa ven đường.
Bình dị mà sinh động, ai xem cũng cảm nhận được sức sống trong đó.
Nhà ở Kim Lăng cũng hay gửi thư, thi thoảng còn nhờ người chuyển quà.
Bên trong là phấn son, trang sức, váy áo, tất chân do mẹ gửi.
Nhưng tôi chẳng buồn nhìn, ném hết sang một bên.
Thư thì chưa từng hồi đáp.
Vì chuyện này mà mẹ tôi hay kể khổ với anh cả, anh cũng rầy la tôi vài câu, rồi lại mặc kệ tôi.
Sống cùng anh lâu ngày, tôi dần hiểu rõ tính cách anh.
Anh thờ ơ với mọi thứ, chỉ chuyên tâm đọc sách.
Lúc đầu tôi rất sợ phiền anh, sau mới nhận ra anh ngoài lạnh trong ấm.
Vì tôi say xe mà đi chậm lại.
Vì tôi thích phong cảnh nào đó mà dừng nghỉ thêm vài ngày.
Tan học còn cố tình vòng qua chợ, giả vờ tiện đường mua bánh mang về.
Tôi ốm, anh bỏ cả sách để thức trắng đêm chăm sóc.
Sinh nhật tôi, anh vụng trộm vào bếp nấu mì, suýt nữa làm cháy cả nhà bếp.
Tôi nhìn bát mì như hồ dính trước mặt, ngơ ngác một hồi rồi bật khóc hu hu.
Anh cả sợ tới mức không dám nói gì, chờ tôi khóc xong mới nhỏ giọng an ủi.
“Xấu thì xấu thật, không muốn ăn thì thôi, đừng khóc nữa.”
Sau đó vụng về đưa tay lau nước mắt cho tôi.
Tôi nhét một miếng vào miệng, khóc càng lớn hơn.
“Dở quá!”
Anh bị dáng vẻ của tôi chọc cười, xoa đầu tôi, dịu dàng nói.
“Yên Yên, sự nghiêm khắc của thiên hạ đối với nữ tử, không phải lỗi của các em, mà là lỗi của thời đại này.”
Anh biết rõ hôm ấy tôi cố tình đóng vai yếu đuối để lay động anh.
Chỉ là khi đó anh mới nhận ra tôi sống trong cảnh khổ đến mức phải dùng cách đó để đạt được thứ mình muốn.
Anh thà tôi vẫn là cô bé hay khóc ngày xưa, như vậy mới là dáng vẻ của người được cưng chiều.
Cha mẹ vốn không muốn tôi theo anh đi du học, vì sợ con gái xuất đầu lộ diện sẽ mang tiếng xấu.
Anh dùng chuyện hủy hôn làm cớ, cam đoan sẽ tìm cho tôi một mối tốt ở bên ngoài, mới đưa tôi đi thành công.
Đi qua trời cao đất rộng, về sau sẽ chẳng còn chấp nhận bị giam trong bức tường nhỏ nữa.
Đó là điều lớn nhất mà anh có thể làm cho tôi.
21
Anh cả mang tranh của tôi đến hiệu tranh, khiến nhiều danh họa và bậc thầy nghệ thuật chú ý.
Chẳng bao lâu, tên tuổi tôi nổi như cồn, rất nhiều người muốn nhận tôi làm đệ tử cuối cùng.
Thế nhưng khi biết tôi là nữ tử, họ lại bắt đầu do dự.
Cho đến khi người được mệnh danh là “Thánh họa” – bà Tang – xuất hiện và thu nhận tôi làm đồ đệ.
Ban đầu tôi cũng không định bái sư, nhưng anh cả đã nói với tôi:
“Kỹ năng thì dễ học, nhưng tầm nhìn mới khó mở rộng.”
Nếu tôi muốn đi xa hơn trên con đường hội họa, nhất định phải có một vị thầy có tầm mắt rộng lớn.
Mà bà Tang chính là người thích hợp nhất.
Không chỉ vì danh tiếng của bà, mà còn bởi bà là nữ nhân.
Nữ nhân mới hiểu được những ràng buộc của nữ nhân.
Sau khi bái sư, tôi bắt đầu theo chân bà.
Anh cả có lý tưởng riêng, tiếp tục cuộc hành trình của mình, còn tôi thì tạm dừng chân tại đây.
Bà Tang đối xử với tôi vô cùng tốt, không giống như các tiên sinh luôn gò bó ép buộc.
Bà theo tôi ra phố, vào núi, tới gầm cầu, về nông trang.
Những con đường từng đi, phong cảnh đã qua, con người từng gặp, tất cả đều được lưu lại dưới ngòi bút của tôi.
Bà Tang nói: “Những năm qua tranh của ta có tiến bộ, nhưng vẫn thấy thiếu gì đó. Gặp con rồi ta mới biết, thiếu một chút khói lửa nhân gian.”
Có đôi khi, một bức tranh chính là một câu chuyện.
Mà tôi giỏi nhất là dùng bút vẽ để ghi lại những điều đã thấy, để hậu thế cũng có thể nhìn thấy sự phồn hoa và tươi đẹp từng tồn tại.
Bản thảo tranh của tôi chất đống thành chồng, từng cây bút bị vẽ đến rụng lông, danh tiếng cũng theo đó mà lan rộng.
Hai năm sau, tôi quay lại Kim Lăng.
Bà Tang nhận lời mời tham dự triển lãm tranh, tôi với tư cách là đồ đệ đắc ý cùng đi theo.
Vừa đến gần thành, liền nghe có người gọi tên tôi.
Là Dư Phong.
Anh ta cưỡi ngựa áp sát xe ngựa của tôi, giọng mang theo chút trách móc.
“Dư Yên Yên, sao em về mà không nói một tiếng? Nếu không phải anh trông thấy thì có phải định không về nhà luôn không?”
Tất nhiên không phải, nhà thì chắc chắn phải về.
Lần trước bà nội mất, tôi và bà Tang đang ở vùng biên vẽ ngựa, không kịp về dự tang lễ.
Lần này trở lại, đương nhiên phải đến trước mộ bà dập đầu.
Từ nhỏ bà đã thiên vị Dư Phong, sau lại vì Khắc Phù mà càng thiên vị vô cùng.
Tôi và bà chẳng thân thiết gì, đương nhiên cũng không buồn đau nhiều.
Nhưng lễ nghi thì không thể thiếu.
Dư Phong vẫn đang lải nhải, còn tâm trí tôi thì đã trôi về bản vẽ hôm qua.
“Ra khỏi nhà là như ngựa hoang đứt cương, thư nhà gửi không trả lời, sớm biết thế thì chẳng để em ra ngoài làm gì!”
Thấy tôi mãi không đáp lại, Dư Phong bắt đầu bực mình.
“Có nghe anh nói gì không đấy? Cha mẹ bảo em hôm nay nhất định phải về nhà!”
Người hầu trên xe của bà Tang thấy tôi chưa có động tĩnh gì, gọi tôi hai tiếng. Tôi ra hiệu cho phu xe tiếp tục đi.
“Hôm nay có hẹn rồi, tôi phải theo bà Tang đi gặp khách.”
Dư Phong cố gắng nhịn cơn giận: “Vậy ngày mai thì sao?”
“Ngày mai cũng có hẹn.”
Anh ta lập tức nổi khùng.
“Tôi thấy em căn bản là không muốn về! Hay lắm! Có bản lĩnh thì cả đời đừng quay về nữa!”
22
Cơn giận của Dư Phong chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi theo bà Tang đi gặp mấy vị danh họa tổ chức triển lãm tranh.
Được chiêm ngưỡng mấy chục bức tranh tuyệt mỹ, vừa mãn nhãn vừa học hỏi được rất nhiều điều.
Ba ngày sau tôi mới về nhà họ Dư, mẹ tôi vừa thấy tôi đã muốn kéo tay tôi lại.
Nhưng cuối cùng lại không nỡ hạ mình, chỉ nhẹ nhàng gọi một tiếng.
“Yên Yên.”
Trước đây mỗi lần bà gọi, tôi sẽ lập tức chạy lại làm nũng kéo tay áo bà.
Nhưng lần này, tôi chỉ khẽ gật đầu, không nhìn bà lấy một cái, lặng lẽ bước qua.
Khoảnh khắc đó, mắt bà đỏ hoe, vội đưa khăn lên che, giả vờ là bị gió thổi cay mắt.
Tôi cúi người hành lễ với cha.
Ông thấy tôi ra ngoài lâu mà vẫn giữ lễ phép, cũng tỏ ra hài lòng.
“Ta và mẹ con đã chọn được một mối hôn sự cho con, sắp tới sẽ bàn chuyện cưới hỏi. Con cũng đến tuổi rồi.”
Tôi đứng dậy, nhìn cha với ánh mắt kiên định.
“Bà Tang nói con rất có thiên phú, sau này có thể trở thành một danh họa. Việc hôn sự không cần gấp.”
Mẹ tôi nghe thấy tôi nhắc đến bà Tang với giọng điệu thân mật, sắc mặt lập tức sa sầm.
“Bà ta có sinh ra con đâu, đương nhiên không lo lắng!”
Tôi hơi bực, phản bác lại.
“Bà Tang coi con như con ruột, những gì bà ấy làm là vì con.”
Bà gần như sụp đổ, nước mắt tuôn rơi, giọng nghẹn ngào trách móc.
“Bà ta vì con, chẳng lẽ mẹ lại hại con sao? Sao con vẫn chẳng hiểu chuyện như vậy?”
Khắc Phù đứng sau mẹ tôi, nhẹ nhàng xoa lưng bà.
Cô ta lại gầy đi nhiều, ánh mắt khi ngẩng lên càng khiến người ta thương cảm.
Nhìn người mẹ đang trách mắng tôi, tôi nhàn nhạt đáp.
“Sau lưng mẹ có một người con gái ngoan ngoãn sẵn đấy, sao còn trông chờ gì ở con nữa?”
Cha tôi nãy giờ không nói gì, bỗng đập bàn đứng bật dậy.
“Dư Yên Yên! Con ăn nói với mẹ kiểu gì đấy?”
Chưa kịp để tôi mở miệng, ông đã ném xuống một câu.
“Ta thấy con đi ra ngoài làm loạn đến hư hỏng rồi! Con gái mà không nghĩ đến chuyện lập gia đình, cả ngày chỉ biết du ngoạn, có còn ra thể thống gì!
Chuyện ở chỗ bà Tang ta sẽ sai người đến từ chối. Từ giờ con cứ ngoan ngoãn ở nhà, chọn được người phù hợp thì chuẩn bị xuất giá đi.”
23
Tôi lạnh cả tay chân, lặng lẽ nhìn cha bỏ đi không nói lời nào.
Trước khi về, tôi đã từng nghĩ đến khả năng bọn họ sẽ không cho tôi rời đi nữa.
Bà Tang đã nói: “Nếu thế, ta sẽ đích thân đến xin người.”
Nhưng tôi không ngờ họ lại quyết liệt đến vậy. Bà Tang đến mấy lần đều bị cha tôi từ chối thẳng thừng.
Còn tôi thì bị nhốt trong phòng, đến cửa viện cũng không được bước ra.
Cục diện rơi vào thế bế tắc, tôi không khỏi hối hận.
Sao lại trở về làm gì?
Có lẽ là vì tôi vẫn còn một chút kỳ vọng vào họ.
Hoặc có thể tôi đã tưởng rằng mình đã đủ lông đủ cánh, có thể thoát khỏi ràng buộc của thế tục.
Nhưng tôi không ngờ, họ sẽ thẳng tay chặt đứt đôi cánh của tôi.
Nói ra cũng thật nực cười, mấy năm nay nhà họ Mộc như diều gặp gió, trở thành thế gia có thế lực nhất thành Kim Lăng.
Mộc Diễn nổi danh từ nhỏ, chỉ tiếc sau này vì chuyện tình cảm mà làm lỡ dở tiền đồ.
Dù vậy, anh ta vẫn là một trong những người được nhiều người nhắm đến làm chồng.
Người đời luôn rộng lượng với đàn ông là thế.
Sau một vòng luẩn quẩn, anh ta lại tìm đến tôi.
Thiệp mời gửi tới liên tục, tôi làm như không thấy.
Theo lý, tôi đã rời Kim Lăng hai năm, anh ta đáng lẽ nên cùng Khắc Phù thành đôi từ lâu rồi.
Nhưng Mộc Diễn không thắng được mẹ mình.
Phu nhân nhà họ Mộc nhất quyết không cho Khắc Phù vào cửa, thậm chí còn lấy cái chết ra ép buộc.
Bà ấy giữ Mộc Diễn bên cạnh, đồng thời ra sức chọn vợ khác cho anh ta.
Nửa năm trước, Mộc Diễn không chịu nổi sự kiểm soát của mẹ, thậm chí nghĩ đến chuyện bỏ trốn.
Khắc Phù sợ đến mức phải nhờ Dư Phong đến khuyên anh ta từ bỏ.
Cô ta đâu phải muốn bỏ trốn, cô ta muốn làm chính thất đường đường chính chính cơ mà, bỏ trốn thì thành ra thể thống gì?
Kết quả dây dưa mãi, chuyện đến nước này.
Danh tiếng của Khắc Phù cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
Còn Mộc Diễn thì vì chuyện cô ta không chịu đi theo mình, trong lòng sinh ra khúc mắc, càng ngày càng lạnh nhạt với cô ta.
Không hiểu sao, giờ lại nhớ đến tôi.
Khi mới trở lại Kim Lăng cùng bà Tang đi dự tiệc, tôi tình cờ gặp lại Mộc Diễn vài lần.
Giới thư sinh luôn thích tụ tập, vờ vịt làm cao sang tao nhã.
Biết được mấy bức tranh trong triển lãm là của tôi, ánh mắt anh ta nhìn tôi sáng hẳn lên.
Đợi mãi không thấy tôi xuất hiện, cuối cùng anh ta không nhịn được nữa mà xông thẳng vào.
“Yên Yên, em sớm muộn gì cũng phải lấy chồng. So với lấy người khác, chi bằng lấy anh.”
Tôi đang cầm bút vẽ, chú tâm vào nét mực, nghe vậy chỉ biết bật cười nhạt.
“Mộc Diễn, tôi không làm bình thê.
Và anh quên rồi sao? Tôi đã sớm không cần anh nữa rồi.”
Sắc mặt Mộc Diễn có phần gượng gạo. Thấy trâm ngọc trong hộp trang sức của tôi, mắt anh ta sáng rỡ.
“Em vẫn giữ trâm anh tặng, vậy chứng tỏ em vẫn còn tình cảm với anh.”
Tôi liếc chiếc hộp trang sức từ khi rời nhà đã không động vào, chẳng buồn giải thích.
Tùy tiện cầm lấy trâm, nào ngờ tay trượt.
Tiếng gãy giòn vang lên, khiến sắc mặt Mộc Diễn trắng bệch.
“Giờ thì không còn nữa rồi.”
Anh ta túm lấy cổ tay tôi, giọng vội vã.
“Anh biết em vẫn giận chuyện anh hủy hôn, là anh có lỗi với em.
Anh cũng không hiểu sao lúc đó như bị ma xui quỷ khiến, giờ anh mới biết, em mới là người tốt nhất.”
Dưới tán cây gần đó, tà váy ai đó thấp thoáng.
Tôi buông xuôi tất cả giãy giụa, nhẹ nhàng hỏi.
“Thế còn Khắc Phù?”
Mộc Diễn ngẩn ra, lập tức lắc đầu.
“Cô ấy… thôi đừng nhắc đến nữa.”
Thấy chưa?
Người mà ngày trước anh ta bất chấp cha mẹ để cưới về bằng được, giờ trong mắt anh ta chỉ là một câu “không nhắc nữa là được”.