11

 

Tôi lại mất ngủ lần nữa.

 

Thuốc ngủ cũng đã uống hết.

 

Tôi lấy một chai rượu trắng từ trong tủ rượu.

 

Tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon.

 

Nhưng lần nữa mở mắt ra lại là ở bệnh viện.

 

Vài giây mơ hồ rồi tôi hiểu ra, có lẽ mình đã gây họa.

 

“Em tỉnh rồi à? Anh đi gọi bác sĩ.”

 

Kỷ Ngôn Lễ đứng dậy định đi, tôi nắm lấy tay anh.

 

“Sao vậy?”

 

Tôi nói: “Xin lỗi.”

 

Cơ bắp Kỷ Ngôn Lễ căng cứng.

 

Ngay khoảnh khắc tôi buông tay, anh bất ngờ siết chặt lấy tay tôi.

 

Mắt anh đỏ lên, gương mặt tiều tụy.

 

“Hứa Niệm, em đang làm gì vậy? Nếu không phải anh liên lạc không được rồi chạy đến, nếu không phải phát hiện kịp lúc, em sẽ chết đấy, em biết không?”

 

Thật là thảm hại.

 

Sự kiêu hãnh mà tôi giữ suốt bấy lâu, tại giây phút này đã hoàn toàn sụp đổ.

 

Tôi chỉ có thể lặp đi lặp lại nói với anh: “Không phải vậy đâu, em chỉ mất ngủ thôi, em chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon.”

 

Hậu quả của việc ngộ độc cồn rất khó chịu.

 

Chóng mặt, buồn nôn.

 

Tôi thậm chí không thể ngồi dậy.

 

Chỉ có thể thiếp đi một cách lờ đờ.

 

Tôi như đang không ngừng nói xin lỗi với Kỷ Ngôn Lễ.

 

Cũng như không ngừng giải thích, tôi không tự tử, cũng chưa từng có ý định đó, tôi thật sự chỉ là không ngủ được.

 

Kỷ Ngôn Lễ vẫn im lặng.

 

Sau đó, hình như có người nằm cạnh tôi, ôm lấy tôi.

 

Hình như có người nói với tôi rằng, không thể quay lại được nữa rồi.

 

Sau chuyện này, tôi và Kỷ Ngôn Lễ không liên lạc lại.

 

Tôi cũng không hỏi vì sao anh gọi điện cho tôi.

 

Cứ như chuyện đó chưa từng xảy ra.

 

Về đến nhà, tôi vứt hết số rượu còn lại, cũng không mua thêm thuốc ngủ.

 

Tôi không thể như vậy nữa.

 

Tôi không thể tiếp tục thế này nữa.

 

Đêm đầu tiên, tôi mở mắt đến tận sáng, lại cố gắng thức cả một ngày.

 

Đến khi trời tối, không chịu nổi nữa, tôi ngủ thiếp đi.

 

Ngủ một mạch đến năm giờ sáng.

 

Tôi dậy, định ra ngoài mua bữa sáng, thì thấy xe của Kỷ Ngôn Lễ đậu dưới lầu.

 

Cảm giác khi đó rất phức tạp.

 

Tôi ngừng lại vài giây, rồi quay người trở lên lầu.

 

Trong nhà vẫn còn mì gói, ăn tạm vậy.

 

Buổi trưa, Kỷ Ngôn Lễ vẫn còn ở đó.

 

Buổi chiều, anh vẫn chưa rời đi.

 

Tôi gọi điện cho anh.

 

“Anh có thể đi rồi không?”

 

Anh im lặng hai giây.

 

“Anh đi đây.”

 

Tôi cố gắng điều chỉnh trạng thái bản thân, cuối cùng nhận ra cách tốt nhất là làm cho mình thật mệt.

 

Mệt rồi sẽ dễ ngủ hơn.

 

Thời gian sau đó, Kỷ Ngôn Lễ không xuất hiện nữa, mẹ anh cũng vậy.

 

Nhưng trong lòng tôi vẫn thấy nghẹn ngào.

 

Tôi biết, nếu không hoàn toàn kết thúc, tôi sẽ không thể yên ổn.

 

Cuối cùng, sau một tháng, đã đến lúc nhận giấy chứng nhận ly hôn.

 

Chúng tôi cùng vào ủy ban, rồi cùng bước ra.

 

Nhìn tờ giấy ly hôn trên tay, tôi cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm.

 

Khi tôi quay đi, Kỷ Ngôn Lễ gọi tôi lại.

 

“Hứa Niệm.”

 

“Ừ?”

 

“Bảo trọng.”

 

Đó là hai từ cuối cùng Kỷ Ngôn Lễ nói với tôi.

 

Sau khi nhận được giấy ly hôn, tôi bán nhà và xe, rời khỏi thành phố này.

 

Tôi đến từ một vùng quê nhỏ, giờ cũng chuẩn bị trở về vùng quê ấy.

 

Sau này, những người ấy, những chuyện ấy, sẽ không còn liên quan gì đến tôi nữa.

 

Ngoại truyện: Kỷ Ngôn Lễ

 

Mẹ của Kỷ Ngôn Lễ từng hỏi anh: “Vì một cô minh tinh nhỏ mà đòi ly hôn, con điên rồi sao? Con không biết cô ta chỉ nhắm vào tiền của con à?”

 

Kỷ Ngôn Lễ biết.

 

Anh tất nhiên biết.

 

Nên anh cười một cách bất cần: “Cô ta nhắm vào tiền của con, con lại nhắm vào nhan sắc của cô ta, chẳng phải công bằng sao?”

 

Bỏ tiền ra đổi lấy sự vui vẻ, dễ dàng biết bao.

 

Còn dùng tình cảm thì quá mệt mỏi.

 

Câu nói ấy chẳng khác nào chọc trúng chỗ đau của mẹ anh, bà giơ tay tát anh một cái.

 

Đây là lần đầu tiên bà ra tay đánh anh.

 

Nhưng Kỷ Ngôn Lễ lại muốn nói: đánh rất đáng!

 

Anh không biết mình bắt đầu mệt mỏi từ khi nào.

 

Yêu Hứa Niệm, quá mệt mỏi.

 

Kỷ Ngôn Lễ biết Hứa Niệm yêu anh.

 

Nhưng cô giống như một chiếc giếng cổ nơi quê nhà, bên dưới là nguồn nước ngầm dồi dào, trong lành và ngọt mát. Nhưng muốn múc được nước, phải đổ xuống một gáo nước mồi trước.

 

Không có gáo nước dẫn đường, dù dùng sức thế nào cũng vô ích.

 

Hứa Niệm chính là như thế.

 

Khi yêu nhau, nếu Kỷ Ngôn Lễ không liên lạc, cô có thể mãi mãi không chủ động.

 

Ban đầu, Kỷ Ngôn Lễ cứ nghĩ là vì Hứa Niệm không thích mình.

 

Cho đến khi anh phát hiện giao diện điện thoại cô luôn dừng lại ở phần thông tin liên lạc của anh, cô cứ nhìn chằm chằm, nhưng mãi không bấm gọi.

 

Chỉ cần Kỷ Ngôn Lễ có mặt, ánh mắt của Hứa Niệm sẽ luôn dõi theo anh.

 

Khi anh bày tỏ tình cảm, trong mắt cô là đầy ắp yêu thương và lệ thuộc.

 

Ban đầu, Kỷ Ngôn Lễ thấy rất hưởng thụ.

 

Anh làm chủ, anh dẫn dắt mối quan hệ này, anh điều khiển cảm xúc của Hứa Niệm.

 

Nhưng rồi anh cũng thấy mệt.

 

Thỉnh thoảng, anh cũng muốn Hứa Niệm chủ động.

 

Anh nghĩ rằng, nếu hai người trở nên thân mật hơn thì sẽ tốt hơn.

 

Ví dụ như thành vợ chồng.

 

Nhưng anh đã sai.

 

Anh rõ ràng cảm nhận được Hứa Niệm rất yêu anh.

 

Nhưng cô thà ngồi nhà chờ anh đến nửa đêm cũng không gọi một cuộc điện thoại.

 

Cô không can thiệp vào lịch trình của anh, dù anh quên ngày kỷ niệm, lỡ cả sinh nhật cô, cũng không sao.

 

Nếu khi cô nói chuyện, anh có chút lạnh nhạt, cô sẽ lập tức rụt vào vỏ, không còn chạm đến anh lần nào nữa.

 

Ban đầu là mệt mỏi.

 

Sau đó là phiền chán.

 

Anh bắt đầu không thích Hứa Niệm như vậy, cũng bắt đầu không muốn đối phó nữa.

 

Đúng thế.

 

Những hành động từng xuất phát từ tự nhiên, giờ đây chỉ còn là đối phó.

 

Cho đến khi cô minh tinh kia bắt đầu quyến rũ anh.

 

Một chiêu trò rất vụng về, thế mà Kỷ Ngôn Lễ lại mỉm cười đón nhận.

 

Sau đó anh suy nghĩ rất nhiều.

 

Anh bỗng cảm thấy mình không còn yêu Hứa Niệm nhiều như trước.

 

Anh muốn thử xem, thử xem mình thật sự không yêu cô nữa hay không.

 

Nếu đúng là vậy, thì có nên ly hôn không? Hay cứ sống cho qua ngày?

 

Thật ra, rất nhiều chuyện Kỷ Ngôn Lễ vẫn chưa nghĩ rõ ràng.

 

Hôm đó, anh hẹn hò với cô minh tinh ấy, ăn cơm, xem phim.

 

Cảm thấy rất vui.

 

Nhưng cái vui đó giống như hôm nay đi làm không tắc đường, công việc không gặp phiền toái, cà phê pha đúng vị — chỉ là niềm vui hời hợt.

 

Nhưng niềm vui hời hợt vẫn là niềm vui.

 

Cuộc sống con người, chẳng phải vui vẻ là quan trọng nhất sao?

 

Nên anh đã đồng ý lời mời lần thứ hai của cô gái đó.

 

Nhưng bất ngờ luôn đến rất đột ngột.

 

Hứa Niệm có thai.

 

Khoảnh khắc đó, Kỷ Ngôn Lễ thấy phiền.

 

Chuyện mấy ngày nay, những vấn đề anh chưa kịp nghĩ thông, tất cả rối như tơ vò.

 

Khi đó, trong đầu anh chỉ có một ý nghĩ: nếu có con, thì việc ly hôn sẽ rất phiền phức.

 

Anh thật sự đã sẵn sàng sống như vậy cả đời chưa?

 

Chưa.

 

Vì vậy đứa trẻ đó không thể giữ lại.

 

Nhưng nếu bắt Hứa Niệm phá thai, thì chắc chắn họ sẽ ly hôn.

 

Thôi thì ly hôn đi vậy.

 

Nếu hỏi khi Kỷ Ngôn Lễ đưa ra quyết định đó có phải là đang buông xuôi không, thì đúng là có.

 

Thời gian cấp bách, những sợi tơ rối không thể gỡ, vậy thì cắt bỏ hết cho rồi.

 

Thế nhưng về sau, trong những đêm khuya trằn trọc, Kỷ Ngôn Lễ luôn nghĩ, có lẽ ngay khoảnh khắc thốt ra câu nói ấy, anh đã hối hận rồi.

 

Cảm giác ấy thật sự khiến người ta bức bối.

 

Khi Hứa Niệm đi phá thai.

 

Trong đầu anh vang vọng hàng vạn âm thanh, rằng anh nên ngăn lại, nên cứu vãn, nên dừng lại.

 

Giống như mẹ anh đã nói, nếu đứa trẻ mất rồi, thì họ cũng thật sự kết thúc.

 

Nhưng cơ thể anh lại không muốn làm gì cả.

 

Ngăn lại rồi thì sao?

 

Giả vờ như chưa từng có chuyện gì xảy ra?

 

Anh không làm được.

 

Hứa Niệm càng không thể.

 

Hứa Niệm từng mua một thùng cam, người ta bảo rất ngọt, mọng nước.

 

Nhưng khi mua về mới phát hiện ra, nó chua đến mức không chịu nổi.

 

Thật ra hơi chua cũng không sao, vẫn có thể ăn được.

 

Thế nhưng Hứa Niệm – người luôn tiết kiệm – lại ném hết đi.

 

Kỷ Ngôn Lễ hỏi cô vì sao.

 

Cô nói: “Không vứt thì em thấy khó chịu. Anh có hiểu cảm giác đó không? Em mong chờ nó là như thế, nhưng thực tế không đúng như vậy, nếu không bỏ đi em sẽ cứ khó chịu mãi.”

 

Ban đầu Kỷ Ngôn Lễ không hiểu.

 

Cho đến khi Hứa Niệm cắt đứt liên lạc với người bạn duy nhất của mình.

 

Lý do là người bạn đó sau khi thất tình đã trút giận lên cô, nói những lời không hay.

 

Hôm sau người bạn ấy xin lỗi, còn bám lấy Hứa Niệm: “Chúng ta bỏ qua nhé, coi như chưa có gì?”

 

Hứa Niệm cười gượng, như thể đã gật đầu, nhưng sau đó bạn cô không thể nào liên lạc được nữa, mà Hứa Niệm cũng không bao giờ chủ động gọi lại.

 

Kỷ Ngôn Lễ từng nghĩ rằng giữ được sự hòa bình bề ngoài là chuyện hoàn toàn có thể.

 

Nhưng Hứa Niệm lại lắc đầu: “Có những lời, nói ra rồi là không thể thu lại. Dù sao em cũng không thể giả vờ như chưa từng có gì, không thẳng thắn thì thà dứt khoát, cứ cho là em nhỏ mọn đi!”

 

Kỷ Ngôn Lễ hiểu, với Hứa Niệm, một khi đã kéo cung thì sẽ không quay đầu lại.

 

Khi anh nói ra những lời ấy với cô, Hứa Niệm sẽ không còn muốn nhìn anh thêm lần nào nữa.

 

Quả nhiên, từ ngày hôm đó, ánh mắt của Hứa Niệm không còn dừng lại trên người anh, cô cũng cố gắng tránh nói chuyện với anh.

 

Đừng nói là níu kéo hay quấn quýt.

 

Hứa Niệm không làm được.

 

Nhưng mẹ anh lại bảo: “Con để ý Hứa Niệm một chút, mẹ thấy tình trạng cô ấy không tốt. Đừng để vì con hồ đồ mà hại người ta.”

 

Kỷ Ngôn Lễ cho là mẹ mình nghĩ quá rồi.

 

Nhưng cuối cùng anh vẫn không kiềm được mà gọi điện cho Hứa Niệm.

 

Một cuộc không bắt máy, hai cuộc không nghe.

 

Kỷ Ngôn Lễ bắt đầu hoảng.

 

Anh lập tức chạy về căn nhà đó, lúc nhập mật mã, cả người anh run rẩy.

 

Khi thấy Hứa Niệm nằm mê man trong phòng khách, sự hối hận của anh lên đến cực điểm.

 

Không còn yêu nhiều như trước thì sao chứ?

 

Không yêu nữa thì không thể tiếp tục sống cùng sao?

 

Hứa Niệm tỉnh lại vào lúc nửa đêm.

 

Cô chỉ nói với Kỷ Ngôn Lễ hai câu.

 

“Xin lỗi.

 

“Không phải đâu, em chỉ mất ngủ, em chỉ muốn ngủ một giấc ngon.”

 

Cô cứ nói đi nói lại như thế.

 

Cái “xin lỗi” ấy không phải vì cô cảm thấy có lỗi với anh, mà vì cô thấy mình đã phiền anh.

 

Còn câu thứ hai, như thể sợ Kỷ Ngôn Lễ hiểu lầm.

 

Khoảnh khắc ấy, lòng Kỷ Ngôn Lễ đau đến mức không thể thở nổi.

 

Tại sao hai người họ lại trở thành thế này?

 

Nhưng mẹ anh lại nói: “Giờ ly hôn chưa chắc đã là chuyện xấu.”

 

Kỷ Ngôn Lễ không hiểu.

 

Mẹ anh nói: “Hôm nay con có thể hẹn hò với người khác, thì ngày mai cũng có thể lên giường với người khác. Giới hạn là như vậy, một khi đã hạ thấp một lần, thì sẽ có lần thứ hai. Con người ta, đã có thể chia tay trong hòa bình thì đừng để đến lúc rách cả mặt.”

 

Lời đó khiến Kỷ Ngôn Lễ thấy mất mặt.

 

Nhưng đồng thời anh lại không phục.

 

Anh cảm thấy mình chỉ đang thử, anh có chừng mực, sẽ không làm tới cùng.

 

Anh chỉ là chưa nghĩ thông suốt.

 

Là đứa trẻ đó đến không đúng lúc.

 

Chờ khi anh nghĩ thông rồi…

 

Kỷ Ngôn Lễ bỗng nhiên không thể nói tiếp.

 

Thông suốt kiểu gì?

 

Dựa vào việc tìm cảm giác mới từ người khác sao?

 

Kỷ Ngôn Lễ không ngừng nhớ lại.

 

Khoảnh khắc Hứa Niệm đau lòng nhất có lẽ không phải là lúc phá thai, mà là khi cô nhìn thấy anh tán tỉnh với cô gái kia.

 

Chính giây phút đó, anh đã trở thành quả cam mà người ta tưởng sẽ ngọt ngào, nhưng thực tế lại chua loét.

 

Và vì thế, Hứa Niệm phải ném anh đi.

 

Nếu không, cô sẽ đau khổ triền miên mỗi ngày.

 

Sau khi Hứa Niệm rời khỏi thành phố, Kỷ Ngôn Lễ từng sống trong những ngày ăn chơi sa đọa, hưởng lạc xa hoa.

 

Nhưng rất nhanh, anh chẳng còn hứng thú.

 

Cũng chỉ đến thế thôi, thật sự rất nhạt nhẽo.

 

Sau khi phát hiện kinh nguyệt trễ nửa tháng, tôi đã lập tức đến bệnh viện.

 

(“Cô ấy mở một quán cà phê sách hoạt động cả ngày lẫn đêm.)

 

Thuê một nhân viên, còn bản thân thì sống ngay tại đó.

 

Kỷ Ngôn Lễ chỉ thoáng nhìn qua, không dám bước vào.

 

Có lần anh nghe thấy nhân viên hỏi cô: “Chị chủ, chị sống trong cái gác nhỏ này không thấy khó chịu sao?”

 

Hứa Niệm khẽ cười: “Tôi thích nơi đông người.”

 

Tim Kỷ Ngôn Lễ như bị kim châm, không quá đau, nhưng rất khó chịu.

 

Anh phải hít một hơi thật sâu mới đè nén được.

 

Anh biết rõ, Hứa Niệm không hề thích nơi đông người, cô chỉ là sợ cô đơn.

(Hoàn)