13

 

Lý do thẻ bị khóa rất dễ tra ra.

 

Thì ra là Tô Yến Hà đã dùng thẻ đó để nhận làm thêm, tham gia vào các giao dịch “cày đơn ảo”, khiến dòng tiền quá lớn và bất thường.

 

Ngân hàng nghi ngờ có hành vi rửa tiền, lừa đảo nên đã trực tiếp đóng băng tài khoản.

 

Tôi liền nhờ Lý Tư giúp mình xử lý vụ việc này, tiện thể bảo anh ấy chuyển lời đến Tô Yến Hà:

 

nếu thật sự muốn trả lại số tiền kia, thì hãy thay tôi quyên góp cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa.

 

Một tuần sau, tôi chính thức chuyển tới học tại một trường trung học trọng điểm ở thủ đô.

 

Bà Vương và lão quản gia cũng cùng tôi chuyển tới đây.

 

Từ sau khi rời xa những con người và chuyện cũ đáng bực mình kia, bầu trời dường như xanh hơn, cỏ cũng xanh hơn, ngay cả những nếp nhăn trên mặt ông quản gia cũng trở nên… đáng yêu lạ thường.

 

Ngày nào tôi cũng tràn đầy năng lượng, tâm trạng cực kỳ tốt.

 

Bà Vương tuy không rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng cũng vui lây với tôi.

 

Bà ấy rất thông minh, dù không biết chữ nhưng học gì cũng nhanh, chẳng bao lâu đã hiểu rõ sở thích và khẩu vị của tôi.

 

Bà không nói nhiều, nhưng lại rất thấu đáo.

 

Nhiều lúc chỉ cần một câu đã khiến tôi ngộ ra vấn đề – thậm chí còn hiểu rõ tôi hơn chính tôi.

 

Dần dần, bà hoàn toàn tiếp quản chuyện ăn ở, sinh hoạt của tôi, không hề nhờ đến bất kỳ ai giúp đỡ.

 

Thế nhưng, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp bà thất thần nhìn mình, ánh mắt pha trộn giữa nỗi buồn và sự an ủi.

 

Giống như đang thông qua tôi, nhìn thấy một người khác – người con gái mà bà ngày đêm thương nhớ.

 

Tôi hiểu bà đang nhớ con gái mình.

 

Tôi từng nhờ chú nhỏ giúp tìm kiếm tung tích của con bà.

 

Anh chỉ im lặng nhìn tôi một lúc rất lâu với ánh mắt đầy kỳ quái – nhưng may thay, anh không từ chối.

 

14

 

Chớp mắt đã một năm trôi qua.

 

Vào đúng ngày sinh nhật mười tám tuổi của tôi, bất ngờ có một cuộc gọi từ số lạ gọi đến.

 

“Alo, xin chào.” – tôi lễ phép bắt máy.

 

Đầu dây bên kia lại không có ai lên tiếng, chỉ nghe thấy hơi thở dồn dập và căng thẳng.

 

“Alo?” – tôi tưởng là bạn học nào đang trêu đùa, liền gọi thêm mấy tiếng.

 

Nhưng người kia vẫn im lặng không đáp.

 

Trong phòng khách, bà Vương đang gọi tôi ra thổi nến và cắt bánh sinh nhật.

 

Tôi vừa định cúp máy.

 

Bỗng người kia bật ra một câu, giọng khàn đặc:

 

“Chúc mừng sinh nhật.”

 

Lần này đến lượt tôi im lặng.

 

Tôi chợt nhớ ra, kiếp trước khi ở bên Tô Yến Hà, hầu như tôi rất hiếm khi tổ chức sinh nhật.

 

Người duy nhất chưa từng quên chúc mừng tôi, mỗi năm đều đúng hẹn, luôn là chú nhỏ – với lời chúc và món quà chưa từng thiếu.

 

Bởi vì mẹ của Tô Yến Hà đã qua đời vào khoảng thời gian này, ngày giỗ của bà cách sinh nhật tôi chỉ đúng hai ngày – ngay trước kỳ thi đại học.

 

Có lẽ nếu xét trên phương diện nhân đạo, giờ phút này tôi nên nói một câu: “Xin chia buồn.”

 

Nhưng tôi không còn muốn thương xót đàn ông nữa.

 

Bởi vì thương xót đàn ông, chỉ chuốc lấy xui xẻo cả đời.

 

Có lẽ anh ta cảm nhận được tôi sắp dập máy, liền hoảng hốt lên tiếng, gấp gáp hỏi:

 

“Em định thi trường nào? Anh muốn…”

 

Đáng tiếc là, còn chưa nói hết câu, tôi đã lạnh lùng ngắt máy.

 

Tiện tay chặn luôn số.

 

Một mạch gọn gàng, dứt khoát.

 

15

 

Bữa tiệc sinh nhật sắp kết thúc, Lý Tư bước tới nói với tôi rằng chú nhỏ đã chuẩn bị một món quà đặc biệt, đặt sẵn trên tầng thượng, bảo tôi lên đó nhận.

 

Tầng thượng là một khu vườn treo rộng lớn, mỗi tháng đều có hoa tươi theo mùa được vận chuyển về cùng cả gốc, rồi chăm chút cẩn thận để trồng tại đây.

 

Tôi bước lên tầng thượng, nhưng phát hiện nơi này hoàn toàn vắng vẻ.

 

Tôi đi khắp trong ngoài tìm một vòng cũng chẳng thấy bóng dáng ai, càng không thấy món quà nào.

 

Vì mang giày cao gót và váy dài, tôi bị mồ hôi làm ướt cả lưng, mệt đến mức thở không ra hơi.

 

Có hơi nản lòng, tôi định quay xuống tìm Lý Tư hỏi cho rõ.

 

Đúng lúc đó, một luồng ánh sáng mạnh bất ngờ xuyên qua tầng mây, chiếu thẳng xuống sân thượng, rọi sáng cả không gian như ban ngày.

 

Tiếng cánh quạt trực thăng rền vang từ xa đến gần, một chiếc máy bay trực thăng chầm chậm hạ cánh giữa làn gió rít dữ dội, thổi đến mức mắt tôi không mở ra được, cả người như sắp bị cuốn bay.

 

Từ cửa khoang máy bay, một bóng người cao lớn hiện ra.

 

Anh hơi cúi người xuống, lịch thiệp vươn tay về phía tôi:

 

“Lên đi, chú đưa cháu đi ngắm gió.”

 

Tôi vén váy, rón rén bước tới, nhẹ nhàng đặt tay mình vào tay anh.

 

Không ngờ anh lại dùng lực kéo mạnh một cái, khiến tôi lảo đảo, nhào thẳng vào lòng anh.

 

Vết son trên môi tôi lập tức in thành một vệt đỏ rực nơi ngực áo anh.

 

Phi công là người nước ngoài, thấy cảnh đó thì huýt sáo một tiếng đầy mờ ám.

 

Mặt tôi lập tức đỏ bừng, tim đập thình thịch, ánh mắt chẳng biết nên đặt vào đâu.

 

May mà chú nhỏ dường như không để ý, vẻ mặt điềm tĩnh, lạnh nhạt ra lệnh cho máy bay cất cánh.

 

Tôi mới thở phào nhẹ nhõm, âm thầm khinh bỉ chính mình.

 

Cốc Vũ ơi là Cốc Vũ, anh ấy là chú nhỏ của mày đấy, mày đang nghĩ cái gì vậy hả?

 

Trực thăng bay lướt qua bầu trời thành phố, phía dưới là muôn ánh đèn lung linh, rực rỡ tựa như bức tranh sống động.

 

Khi pháo hoa bên ngoài bất ngờ nở rộ, rực sáng cả khung trời, chú nhỏ chợt lấy ra một túi tài liệu, đưa cho tôi với nụ cười khó đoán, mang theo một chút thần bí:

 

 “Chúc mừng sinh nhật!”

 

“Đây là quà mười tám tuổi của em.”

 

“Nhưng chưa được mở ra vội, đợi đến khi em vào đại học rồi hãy xem.”

 

Buồn cười thật, cái túi tài liệu này tôi đã từng thấy ở kiếp trước rồi — bên trong chính là bản thừa kế khoản tài sản khổng lồ ấy.

 

Không cho mở ra ngay chắc là sợ ảnh hưởng đến tâm lý ôn thi đại học của tôi thôi.

 

“Vâng ạ, cảm ơn chú nhỏ đẹp trai, giàu có, đỉnh của chóp!”

 

Nghĩ đến đống tiền tiêu mấy đời không hết trong đó, miệng tôi lập tức ngọt như rót mật.

 

Anh không nói gì, chỉ đưa tay… búng một phát rõ đau vào trán tôi.

 

“Quan hệ giám hộ của chúng ta kết thúc rồi.”

 

Câu này, anh gần như nghiến răng nghiến lợi nhấn mạnh từng chữ.

 

“Đừng gọi tôi là chú nhỏ nữa. Nghe già quá, ảnh hưởng đến vận đào hoa của tôi.”

 

Anh nhìn tôi bằng ánh mắt sâu thẳm, tối như mực, đầy ẩn ý.

 

Tôi ôm trán, thầm bĩu môi:

 

Anh thì có đào hoa cái gì? Chẳng lẽ cả đời chưa nắm tay con gái nào cũng tính là đào hoa?

 

“Em có vẻ không phục?”

 

Anh nheo mắt cười, mà không chút thiện ý.

 

“Làm gì có!”

 

Tôi phản bác ngay, dù trong lòng đầy oan ức.

 

“Hừ.”

 

“Vậy sau này em gọi anh là gì?”

 

Tôi lập tức đổi giọng, ngoan ngoãn hỏi.

 

“Tuỳ em.”

 

“Ừm… Trì Dạ Ngôn?” – tôi thử gọi tên đầy đủ.

 

Anh chẳng phản ứng gì.

 

“Trì đại ca?” – tôi lại thử.

 

Anh liếc tôi một cái.

 

“Anh Ngôn?”

 

“Anh Ngôn bé bỏng?”

 

 

Tôi càng gọi càng hăng, chơi đùa vô cùng vui vẻ, không nhận ra ánh mắt anh đang dần trở nên kỳ lạ.

 

Mãi đến sau này, anh mới nói cho tôi biết —

 

Hôm đó, điều anh thật sự muốn nghe… là tôi gọi anh bằng một danh xưng khác.

 

Đồ lưu manh!

 

16

 

Sau kỳ thi đại học, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Kinh Hoa – ngôi trường hàng đầu tại thủ đô.

 

Hai tháng nghỉ hè, tôi dắt theo bà Vương và lão quản gia đi khắp nơi trong nước chơi bời thỏa thích.

 

Tôi nhận ra, dường như mình ngày càng phụ thuộc vào bà Vương.

 

Mỗi khi đi chơi mà không có bà đi cùng, tôi lại thấy trong lòng trống vắng kỳ lạ.

 

Có món gì ngon hay chỗ nào vui, tôi đều háo hức khoe ngay với bà, sốt sắng chia sẻ đầu tiên.

 

Thậm chí đôi khi tôi còn lo sợ — nếu một ngày nào đó bà tìm lại được con gái ruột, liệu bà có còn yêu thương tôi như bây giờ nữa không?

 

…Nhưng cướp lấy tình yêu của một người mẹ dành cho con mình là điều đáng xấu hổ.

 

Vì vậy, tôi chỉ có thể cố gắng giấu kín cảm xúc này trong lòng, không dám để bà phát hiện.

 

Nhưng hình như bà Vương vẫn nhận ra sự bất an trong tôi.

 

Bà âm thầm giữ một khoảng cách vừa đủ, như để tôi dần quen với việc không dựa dẫm quá nhiều vào bà nữa.

 

Tôi thấy buồn – nhưng lại không thể làm gì khác ngoài chấp nhận.

 

Trì Dạ Ngôn thỉnh thoảng cũng bay sang thăm tôi, cùng tôi đi chơi vài ngày, nhưng chỉ được hai ba hôm là anh lại bận rộn quay về.

 

Đa phần thời gian, anh đều cử Lý Tư đến “trông chừng” tôi, bảo là… “phòng ngừa em đi lạc đường”.

 

Tôi: ???

 

Tôi chỉ đi ăn bún bò thôi, có phải chạy theo giai đâu!?

 

Rồi cũng đến lúc bắt đầu cuộc sống đại học.

 

Năm nhất khá bận rộn, trái lại, Trì Dạ Ngôn lại rảnh rỗi hơn.

 

Anh thường đích thân đưa tôi đi học và đón về mỗi cuối tuần, còn dẫn tôi đi ăn, đi chơi khắp nơi.

 

Nhưng không hiểu sao, dạo này tôi cứ cảm thấy… anh hình như đang có ý kiến với tôi.

 

Bởi vì ánh mắt anh nhìn tôi, ngày một sâu, ngày một tối, cứ như chứa đựng vô vàn suy tính không thể đoán nổi.

 

Giống như một con rắn độc đang ẩn mình trong màn đêm, chỉ chờ thời cơ là sẽ nuốt chửng con mồi không chút thương tiếc.

 

Cũng có thể… là tôi nghĩ nhiều rồi.

 

Dựa theo ký ức kiếp trước, chỉ khoảng hai năm nữa, ngành công nghệ sẽ đón một làn sóng phát triển mới.

 

Tôi dự định sẽ nhanh tay nắm bắt cơ hội, chen chân vào một phần thị trường.

 

Vốn khởi nghiệp?

 

Đương nhiên là lấy từ khoản di sản khổng lồ kia rồi.

 

Vì thế, vào một buổi sáng bình thường, tôi mở chiếc túi tài liệu mà suốt một năm nay mình vẫn chưa đụng đến.

 

17

 

Khác với kiếp trước, lần này ngoài bản hợp đồng chuyển nhượng tài sản, trong túi tài liệu còn có thêm hai lá thư.

 

Một là tờ hôn thư được viết theo phong cách cổ điển.

 

Cái còn lại là một bức thư tay.

 

Tôi tiện tay liếc qua tờ hôn thư, nhưng chỉ một cái nhìn lướt thôi cũng đủ khiến tôi chết lặng tại chỗ, sóng lòng cuộn trào dữ dội.

 

Khụ… trên đó sao lại là tên tôi và Trì Dạ Ngôn?!

 

Tự dưng, một cảm giác hưng phấn mờ ám âm thầm lan tỏa trong lòng tôi.

 

Tôi vội vã vỗ vỗ vào mặt mình để hạ nhiệt, cố nén không cho khoé miệng cong lên mất kiểm soát.

 

Rồi mở tiếp bức thư tay có chữ ký là “Ba Cốc”, viết cách đây bảy năm.

 

Tôi đọc lướt nhanh theo kiểu mười hàng một mắt, nội dung đại khái là:

 

Tôi và Trì Dạ Ngôn từ nhỏ đã được định sẵn là hôn ước. Nhưng sau này vì biến cố, Trì Dạ Ngôn gặp nạn, để che giấu thân phận, được ông nội tôi nhận về nuôi.

 

Về sau anh ta thành công quay về gia tộc, giành lại mọi thứ vốn thuộc về mình.

 

Ba tôi trước khi qua đời đã để lại di nguyện: hy vọng Trì Dạ Ngôn sẽ kết hôn với tôi, tiếp nhận toàn bộ sản nghiệp nhà họ Cốc.

 

Nội dung thư cũng nói rõ, nếu tôi muốn nhận được di sản thì phải kết hôn với Trì Dạ Ngôn.

 

Ngược lại, nếu không kết hôn, thì toàn bộ tài sản sẽ thuộc về anh ta.

 

Lý do là để phòng ngừa tài sản họ Cốc rơi vào tay kẻ có dã tâm, phá huỷ cơ nghiệp trăm năm, đồng thời cũng để bảo vệ tôi khỏi việc bị người ta dòm ngó, lợi dụng hay hãm hại.

 

Nói cách khác, nếu tôi không kết hôn với Trì Dạ Ngôn… tôi sẽ mất cả tiền lẫn người!?

 

Đệch, cái quái gì vậy?!

 

Thể loại kịch bản chó má gì đây chứ!

 

Tôi không phục!

 

Tôi muốn phản đối!

 

Tôi muốn tố cáo tác giả viết nhảm loạn xì ngầu!!

 

…Khoan đã.

 

Tôi bỗng sững người.

 

Khoảnh khắc nãy… sao tôi lại dùng cụm “mất cả tiền lẫn người” nhỉ?

 

Ahem, có vẻ là… trong lòng tôi đã vô thức lộ ra tâm tư rồi đó.

 

Nhưng khoan khoan – vì sao kiếp trước Trì Dạ Ngôn không hề nhắc đến chuyện này?

 

Thậm chí còn trả lại toàn bộ tài sản cho tôi?

 

Chẳng lẽ… anh ta chê tôi?

 

Thà mất cả sản nghiệp cũng không muốn cưới tôi làm vợ?!!

 

18

 

Vì quá rầu rĩ, buổi trưa tôi ăn ít hơn hẳn hai bát cơm so với mọi ngày.

 

Bà Vương rõ ràng đã nhận ra điều đó. Sau bữa trưa, bà gõ cửa phòng tôi.

 

“Tiểu Ngư, hôm nay con có chuyện gì buồn à?”

 

Bà ngồi xuống bên giường, ánh mắt đầy yêu thương.

 

Tôi nằm ườn trên giường, không chút sức sống, ôm chặt A Béo rồi làm nũng trong lòng bà, lăn qua lăn lại như một chú mèo nhỏ.

 

“Bà Vương ơi, con thấy rối lắm…”

 

“Rối gì thế? Tiểu Ngư nói bà nghe thử xem nào.”

 

Bà mỉm cười dịu dàng như mọi khi.

 

“Thì… con hình như có chút cảm tình với một người, nhưng vì từng có những chuyện không vui nên con không dám thích ai nữa…”

 

Tôi xoắn tay áo, ngập ngừng nói ra nỗi lòng.

 

Bà bật cười hiểu ý:

 

“Thế nếu một lần con bị nghẹn khi ăn cơm, thì con sẽ không bao giờ ăn nữa sao?”

 

Tôi lắc đầu ngay:

 

“Tất nhiên là không rồi, đồ ăn ngon như vậy sao có thể phụ lòng.”

 

Bà gật đầu hài lòng, rồi dịu dàng nói tiếp:

 

“Vậy thì cũng giống thế thôi. Vì một chuyện không vui mà con tự bỏ lỡ những điều tốt đẹp khác trong đời, liệu có đáng không?”

 

Tôi lại lắc đầu thật mạnh.

 

“Nhưng… con không chắc người đó có thích con không.”

 

Tôi lí nhí, giọng hơi chán nản.

 

“Tiểu Ngư đang nói đến cậu Trì, đúng không?”

 

Bà hỏi trúng ngay trọng tâm.

 

Bị đoán trúng tim đen, tôi xấu hổ úp cả mặt vào cái bụng tròn của A Béo.

 

“Bà thì thấy, nếu là cậu Trì, Tiểu Ngư có thể thử một lần xem sao.”

 

Bà nhẹ nhàng nâng đầu tôi dậy, cứu lấy cái bụng của A Béo đang bị ép dẹp lép.

 

“Bà tin cậu Trì không phải người đùa giỡn tình cảm.”

 

“Có lẽ là do con chưa chuẩn bị sẵn sàng…”

 

Tôi không nhịn được mà khẽ thở dài.

 

Bà mỉm cười, kiên nhẫn dỗ dành:

 

“Tiểu Ngư à, dù là kết hôn hay không kết hôn, dù chọn hướng nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là: con chọn vì hạnh phúc, chứ không phải vì sợ hãi hay ràng buộc.”

 

“Nếu không biết phải làm gì, thì hãy lắng nghe cảm giác đầu tiên trong tim con. Có khi điều con ngỡ ngàng tìm được lại là một bất ngờ thật đẹp.”

 

 

Bà Vương rời đi, để tôi một mình lặng lẽ suy nghĩ.

 

Tôi nghĩ rất lâu… và nhận ra bà nói đúng.

 

Thế giới này không có lựa chọn nào là hoàn hảo tuyệt đối.

 

Tôi nên học cách buông bỏ quá khứ, và cho bản thân một cơ hội mới.

 

Thế là tôi lập tức bật dậy khỏi giường, lao như bay vào thư phòng, “bộp” một tiếng, đặt thẳng tờ hôn thư trước mặt anh ta.

 

Hai tay chống hông, khí thế ngút trời nhưng lý lẽ thì chẳng có mấy:

 

“Trì Dạ Ngôn! Anh muốn lấy vợ không?!”

 

Anh chậm rãi ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn tờ hôn thư một lúc lâu, rồi bình tĩnh nói:

 

“Nếu em muốn có được tài sản, tôi có thể chuyển trực tiếp cho em…”

 

“No no no!”

 

Tôi giơ một ngón tay lên lắc lắc, nghiêm túc đáp:

 

“Số tài sản đó là sính lễ em bỏ ra để cưới anh!”

 

“Nếu tôi không muốn thì sao?”

 

Anh nhướng mày, ung dung dựa người ra sau, đôi mắt đầy thách thức.

 

Tôi bước lên một bước, túm lấy cà vạt anh, giả vờ hùng hổ:

 

“Thế thì em đành phải bắt anh mang về nhà họ Cốc, ép cưới luôn làm ‘phu nhân áp trại’!”

 

Anh ra vẻ bất lực thở dài, nhưng đuôi mắt lại cong lên đầy gian xảo:

 

“Vậy thì… tôi đành miễn cưỡng nhận lấy vậy.”

 

Tôi giơ tay xoa đầu anh, cười tít mắt:

 

“Ngoan, từ nay em sẽ chăm chỉ kiếm tiền nuôi anh.”

 

Anh chỉnh lại cổ tay áo, liếc nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng nhưng không giấu được ý cười:

 

“Gần đây tôi có phải đã quá nuông chiều em rồi không?”

 

Biết tình hình nguy hiểm, tôi lập tức bỏ chạy.

 

Phía sau vang lên tiếng trêu ghẹo của anh:

 

“Con nhóc nhát gan——”

 

Sau cơn bốc đồng là một trận sợ hãi tột độ.

 

Tôi đứng ngoài cửa thư phòng, tim đập thình thịch, lưng lạnh toát mồ hôi.

 

Trời biết lúc nãy tôi căng thẳng đến mức chân mềm nhũn, chỉ biết cố tỏ ra hùng hổ.

 

Tôi đưa tay sờ lên mặt — nóng rực!

 

Chắc chắn là đỏ như cà chua chín rồi.

 

Hừ, may mà anh ấy biết điều!

 

Nếu dám từ chối… thì tôi sẽ…

 

Thôi quên đi, thật ra nếu tỏ tình thất bại cũng không sao cả.

 

Thất bại thì thất bại, người sau còn ngoan hơn!