5.

 

Một lần đọc sách, tôi vô tình nhìn thấy một câu:

 

“Người đẹp thường mang tội, sẽ luôn có kẻ ghét họ mà chẳng vì lý do gì.”

 

Cứ như để ứng nghiệm với câu nói đó, năm lớp mười một của tôi bỗng chốc trở nên tệ hại.

 

Câu nói ấy như một lời nguyền, mang đến những chuyện chẳng thể mở miệng kể với ai.

 

Trong ngăn bàn bắt đầu xuất hiện xác chuột và cóc chết.

 

Ghế ngồi thì bị bôi đầy keo dán và giấy dính sơn màu.

 

Bài tập và sách vở thỉnh thoảng lại không cánh mà bay.

 

Có lúc còn bị nhốt trong nhà vệ sinh, không thể ra ngoài.

 

Tôi chỉ có thể ngồi xổm trên nền đất, chờ cô lao công đến mở cửa.

 

Tôi không phản kháng, cũng chẳng có bất cứ cảm xúc gì.

 

Bởi vì họ nói—Tôi là một đứa trẻ không ai yêu thương. Sẽ chẳng có ai quan tâm tôi, cũng không có ai giúp tôi.

 

Sau lưng tôi bắt đầu vang lên những lời bàn tán.

 

Bọn họ ngang nhiên đứng ngay sau lưng tôi, thản nhiên bàn luận về quần áo tôi mặc, phẩm cách con người tôi.

 

Bọn họ đứng ở nơi cao, như thể những kẻ thống trị thế giới này, hạ thấp tôi xuống không còn chút giá trị nào.

 

Bọn họ nói đúng—tôi là một đứa trẻ không ai yêu thương.

 

“Ninh Uyển ngày nào cũng mặc đồ hiệu, chẳng bao giờ thấy trùng bộ.”

 

“Hì hì, đừng nói thế, tiền và quần áo của cô ta chưa chắc có được từ đường đàng hoàng đâu.”

 

“Ý gì vậy?”

 

“Chính là có người nói, cô ta ngủ với người ta để lấy tiền.”

 

“Thật không đấy? Bảo sao, cô ta xinh thế kia mà, chắc chắn có không ít người nhắm đến. Hôm trước tớ còn thấy cô ta lên taxi nữa kìa.”

 

Lời đồn như một cơn bão ập đến.

 

Những lời lẽ ác ý bủa vây lấy tôi, khiến mỗi lần bước đi trong khuôn viên trường, tôi luôn có cảm giác vô vọng.

 

Như một khúc gỗ trôi nổi giữa đại dương, muốn chìm xuống, nhưng lại luôn bị đẩy lên mặt nước, hứng chịu tất cả gió mưa.

 

Trong đầu tôi bắt đầu nảy ra một suy nghĩ.

 

Ngồi trên ban công nhà, tôi nhìn khu vườn tràn ngập hoa cỏ, có chút ngẩn ngơ.

 

Tôi không biết chúng nở từ khi nào, cũng chẳng rõ ai đã trồng, thậm chí không biết tên của chúng.

 

Chính lúc ấy, Tống Thanh Yến lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh tôi.

 

Anh đưa cho tôi một chai sữa.

 

“Nhìn thế này, phong cảnh đẹp thật đấy, đúng không Uyển Uyển?”

 

Tôi đón lấy chai sữa, khẽ đáp một tiếng. Sữa vẫn còn ấm.

 

“Dạo này ở trường thế nào?”

 

Tôi không trả lời.

 

Thực ra là không biết phải trả lời thế nào.

 

Tôi do dự, không biết nên kể với anh tất cả những gì mình đã trải qua, hay vẫn nở nụ cười mà nói rằng tôi vẫn ổn.

 

Nhưng tôi còn chưa kịp nói gì, Tống Thanh Yến đã lên tiếng.

 

Anh không cười, sắc mặt rất nghiêm túc, nhưng giọng nói vẫn dịu dàng:

 

“Lần trước đi ngang qua trường em, bạn anh nhìn thấy em bị người ta kéo đi.”

 

“Thứ sáu.”

 

À, lần đó.

 

Tôi bị túm tóc lôi vào trong con hẻm, bọn họ lục lọi quần áo của tôi, lấy hết toàn bộ tiền mặt mà tôi có.

 

“Anh ơi,” giọng tôi khàn khàn, “em thật sự là một đứa trẻ không ai yêu thương sao?”

 

Tống Thanh Yến sững người.

 

Anh ấy nâng tay lên, nhưng lại không biết nên đặt xuống thế nào.

 

Tôi khẽ cười, ánh mắt rơi xuống những đóa hoa đang nở rộ dưới chân.

 

“Bọn họ đều nói như thế, cứ như thể vì không ai yêu thương em, nên họ mới có thể ngang nhiên bắt nạt em vậy.”

 

“Bài tập em viết xong lại mất, sách bài tập khó khăn lắm mới mua được cũng không biết bị ai xé rách, chẳng còn một đề nào để làm.”

 

“Trong ngăn bàn còn xuất hiện chuột chết, thậm chí cả rắn nữa.”

 

“Có lúc em bị nhốt trong nhà vệ sinh, không có đồng hồ, em cứ nghĩ—liệu đã mấy phút trôi qua rồi?”

 

“Để rồi khi cô lao công mở cửa thả em ra, em mới phát hiện—mới chỉ có mười phút thôi.”

 

“Nhưng em lại cảm thấy như cả một năm dài đằng đẵng đã trôi qua vậy.”

 

Tôi túm nhẹ lấy lớp vải trên bộ quần áo đẹp đẽ của mình:

 

“Chỉ vì mặc một bộ đồ xinh đẹp, em cũng bị chỉ trỏ rằng đó là thứ em đổi lấy bằng cách ngủ với người khác. Rằng em không xứng đáng có những bộ quần áo đẹp như vậy.”

 

“Anh ơi,” tôi nói, “hình như em không thể sống tiếp nổi nữa rồi.”

 

Những con hạc giấy đã gấp được bao nhiêu rồi nhỉ?

 

Hình như là bốn trăm sáu mươi chín con.

 

Tôi không nhớ rõ nữa.

 

6.

 

Cuối cùng, tôi được Tống Thanh Yến ôm vào lòng.

 

Anh ấy có một mùi hương rất dễ chịu.

 

Tôi hít lấy hơi thở ấy thật lâu—mùi bạc hà nhè nhẹ.

 

“Uyển Uyển, anh yêu em.”

 

Anh ấy chẳng nói gì nhiều, chỉ lặp đi lặp lại câu ấy—anh yêu em.

 

Rồi nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt của tôi.

 

Cảm giác ấy là gì nhỉ?

 

Như khi bạn rơi vào vực sâu vô tận, chầm chậm lao xuống, chỉ mong rằng quá trình này sẽ sớm kết thúc, để bạn có thể đến một nơi yên bình hơn.

 

Xung quanh chỉ toàn là bóng tối.

 

Nhưng bỗng nhiên, một khe hở xuất hiện, ánh sáng len lỏi chiếu vào.

 

Từ trong khe hở ấy, một bàn tay vươn ra, nắm lấy bạn thật chặt.

 

Đột nhiên, bạn không còn muốn rơi xuống nữa.

 

Bạn muốn trèo lên.

 

Muốn được nhìn thấy ánh mặt trời.

 

“Có anh ở đây, anh sẽ bảo vệ Uyển Uyển của chúng ta. Bọn họ chỉ là những đứa trẻ hư thôi, những lời chúng nói đều không đúng.”

 

Tống Thanh Yến nói chuyện với anh trai tôi về tình trạng của tôi.

 

Sau đó, anh ấy dẫn tôi đến trường.

 

Trước khi đi, anh ấy hỏi tôi có muốn đi cùng không.

 

Thật ra, anh ấy không mong tôi đi.

 

Anh ấy không muốn tôi phải tận mắt chứng kiến những lời mắng chửi và chỉ trích nhắm vào mình.

 

Nhưng tôi vẫn đi.

 

“Cậu là anh trai của Ninh Uyển đúng không? Đứa trẻ này ở trường vẫn luôn ngoan ngoãn, hòa đồng với bạn bè, bây giờ xảy ra chuyện như vậy, mà cậu cũng không có chứng cứ…”

 

Giáo viên chủ nhiệm ngừng lại một chút:

 

“Không thể chỉ dựa vào lời nói suông để kết luận đúng không?”

 

Tôi ngồi trên ghế, bình tĩnh nói:

 

“Thầy cô, bây giờ chúng ta đến lớp xem thử đi.”

 

Xem thử những gì tôi nói có tồn tại hay không.

 

Bàn tay Tống Thanh Yến khẽ vỗ nhẹ lên lưng tôi, như để trấn an.

 

Anh ấy nhìn giáo viên chủ nhiệm, ánh mắt có chút sắc lạnh mà tôi chưa từng thấy—vừa sắc bén, vừa lãnh đạm.

 

“Ý thầy cô là chúng tôi đang vu khống à?”

 

“Con bé nhà chúng tôi học ở đây, chịu bao nhiêu uất ức như thế. Đáng lẽ, với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, thầy cô phải là người đầu tiên nhận ra điều bất thường chứ.”

 

“Ninh Uyển bị nhốt trong nhà vệ sinh suốt mấy tiết học, thầy cô có hỏi chuyện này chưa?”

 

“Chưa đúng không?”

 

Anh ấy ngồi đó, vẻ mặt không biểu lộ gì.

 

Lạnh lùng, nhưng tôi lại cảm thấy một dòng ấm áp chảy vào lòng.

 

Chúng tôi cùng đến lớp.

 

Tôi đứng ở chỗ ngồi của mình, bình tĩnh lôi từ trong ngăn bàn ra xác chuột chết, cùng một con rắn nhỏ vẫn còn sống.

 

Lại thò tay vào sâu hơn—chạm vào một mảng dính ướt lạnh ngắt.

 

Là màu nước ai đó cố ý đổ vào.

 

Giáo viên chủ nhiệm không thể nói thêm một lời nào nữa.

 

Tống Thanh Yến cũng chẳng nói gì, chỉ có biểu cảm của anh ấy nặng nề đến mức khiến người ta nghẹt thở.

 

Tôi rửa sạch tay, thấy anh ấy đang cẩn thận dùng khăn giấy lau khô cho tôi.

 

“Anh ơi, bây giờ anh trông dữ quá rồi đấy.”

 

Anh ấy hơi ngẩn ra, động tác dịu dàng hơn:

 

“Thật sao?”

 

Tôi gật đầu, dùng tay còn lại vuốt phẳng những nếp nhăn giữa hàng lông mày anh ấy:

 

“Đúng thế, vừa nãy em còn bị anh dọa sợ đấy.”

 

“Uyển Uyển.”

 

Tống Thanh Yến ném tờ giấy vào thùng rác, khẽ nói:

 

“Anh là một đứa trẻ mồ côi.”

 

Anh ấy nhìn tôi, khẽ cười.

 

“Từ khi có ký ức, anh đã ở trong cô nhi viện rồi. Hồi nhỏ, anh cũng thường xuyên bị bắt nạt. Trẻ con chưa chắc có ác ý quá lớn, nhưng khi đó anh luôn thấy rất buồn.”

 

“Sau này có người dạy anh rằng, không thể cứ mãi chịu đựng như vậy.”

 

“Phải phản kháng, phải để bọn họ biết rằng—không ai đáng bị đối xử như thế.”

 

Tôi nhìn Tống Thanh Yến, rất lâu không nói nên lời.

 

Bảo sao anh ấy nói mình nghèo.

 

Bảo sao anh ấy chưa từng nhắc đến gia đình—bởi vì anh ấy vốn không có gia đình.

 

“Cho dù bọn họ đều nói em không ai yêu thương, em cũng đừng tin.”

 

“Uyển Uyển, hãy tin vào chính em, tin vào anh trai em, cũng tin vào anh.”

 

“Bọn anh yêu em.”

 

Anh ấy nói—đừng nghe những lời của người khác, hãy lắng nghe trái tim của em.

 

Những con hạc giấy đã gấp được rất nhiều rồi.

 

Hình như đã có sáu trăm bảy mươi ba con.

 

Đã đầy mấy chiếc lọ thủy tinh, có lẽ phải mua một chiếc lớn hơn thôi.

 

7.

 

Anh trai tôi nhanh chóng bay từ nước ngoài về, tức giận đến cực điểm.

 

Chuyện này đương nhiên cũng truyền đến tai ba mẹ tôi.

 

Họ chỉ gọi điện thoại hỏi tôi thế nào.

 

Tôi nhìn sang anh trai và Tống Thanh Yến bên cạnh, cụp mắt trả lời:

 

“Vẫn ổn ạ.”

 

Giọng mẹ truyền đến qua đường dây điện thoại quốc tế, có chút mơ hồ.

 

“Vậy thì, mẹ và ba sẽ không về thăm con đâu. Dù sao thì anh trai con cũng đang ở nhà, chờ khi nào bận xong, mẹ với ba sẽ về nhé?”

 

“Vâng.”

 

“Vậy trước vậy nhé, mẹ còn bận, cúp máy đây.”

 

Anh trai tôi đến trường, nổi trận lôi đình, một đường thẳng tiến đến phòng hiệu trưởng.

 

“Người ta bảo trường này tốt lắm, trường trung học trọng điểm. Trọng điểm à? Trọng điểm mà suýt nữa ép em gái tôi đến chết đấy. Trường trọng điểm của các người đào tạo nhân tài để bắt nạt người khác à?”

 

Hiệu trưởng ngồi trên ghế, có chút lúng túng.

 

Anh trai tôi cười lạnh:

 

“Mấy học sinh rác rưởi này.”

 

Phụ huynh của những kẻ từng bắt nạt tôi lần lượt bị triệu tập đến.

 

Bọn họ ép con cái mình cúi đầu xin lỗi tôi.

 

Nhưng tôi chẳng có bất kỳ cảm xúc nào cả.

 

Chỉ thấy trống rỗng.

 

“Chúng tôi đã xin lỗi rồi, cậu còn muốn thế nào nữa——”

 

Một nữ sinh bật khóc.

 

Tôi nhìn cô ta:

 

“Hôm đó, cậu nắm tóc tôi, ấn đầu tôi xuống đất, nói rằng quần áo của tôi là do tôi ngủ với đàn ông mà có được. Cậu mắng tôi là con đ.”*

 

Cô ta im lặng.

 

Tôi lại nhìn sang người tiếp theo.

 

“Chính cậu là người bỏ chuột và rắn vào bàn của tôi. Tôi biết mà. Vì mỗi lần nhìn thấy tôi bị dọa sợ đến ngã xuống đất, cậu đều cười rất to.”

 

Rồi tôi nhìn sang người tiếp theo.

 

“Chính cậu đã nhốt tôi trong nhà vệ sinh, khiến tôi bị kẹt trong đó rất lâu không thể ra ngoài. Cậu đã làm chuyện này không biết bao nhiêu lần. Có lần còn dội cả một xô nước lên người tôi.”

 

“Mùa đông, quần áo tôi ướt sũng, lạnh đến run rẩy. Cậu đứng đó cười, nói tôi trông như một con gà mắc mưa.”

 

Người tiếp theo.

 

“Toàn bộ tiền mặt của tôi đều bị cậu lấy đi. Cậu từng đá hai cú vào bụng tôi. Tôi nhớ rất rõ, vì lúc đó cậu nói, ‘Tiền của mày cũng dơ bẩn như chính con người mày vậy.'”

 

Chỉ là nói ra thôi, vậy mà giọng tôi bắt đầu nghẹn lại.

 

“Còn cậu, cậu có nhớ mình đã bỏ thứ gì vào hộp cơm của tôi không? Cậu bỏ keo dán vào trong cơm của tôi! Tôi suýt nữa đã ăn phải nó.”

 

“Lúc đó cậu nói gì nhỉ? Cậu nói ‘Đáng tiếc quá.'”

 

Tôi không thể kiểm soát được cảm xúc của mình nữa, đưa tay che đôi mắt đang trào nước.

 

Từng câu từng chữ tôi kể ra tội trạng của bọn họ, nhưng cảm giác lại giống như đang tự cứa từng nhát dao lên tim mình.

 

Rõ ràng kẻ có tội là bọn họ.

 

Nhưng người phải chịu tất cả những nỗi đau này—lại là tôi.

 

Thật bất công.

 

Anh trai tôi ôm lấy tôi, từng chút từng chút vỗ về.

 

Giọng anh ấy khàn đặc:

 

“Đừng nghĩ nữa, đừng nghĩ nữa, Uyển Uyển.”

 

“Em không quên được,” tôi nghẹn ngào, “Em không thể quên, cũng không thể tha thứ.”

 

Trong đầu tôi bỗng hiện lên dáng vẻ của Tống Thanh Yến hôm ấy.

 

Anh ấy mỉm cười nói:

 

“Uyển Uyển, em không cần ép mình phải tha thứ cho những kẻ đã tổn thương em. Bọn họ là tội nhân.”

 

Chưa từng có ai nói với tôi rằng, sau tất cả những gì tôi đã trải qua, tôi vẫn nên tha thứ cho họ.

 

Tha thứ như một vị thánh.

 

Chỉ có anh ấy nói rằng—bọn họ là tội nhân.

 

Không ai có quyền ép tôi tha thứ cho họ. Ngay cả chính tôi cũng không được.

 

Anh trai tôi ôm chặt tôi vào lòng, nhìn đám người trước mặt:

 

“Chuyện này chưa xong đâu.”

 

Trên đường về, tôi gặp Tống Thanh Yến.

 

Anh ấy vừa tan học xong, vội vã chạy đến.

 

Có vẻ như muốn hỏi tình hình, nhưng khi nhìn thấy đôi mắt sưng đỏ của tôi, lời định nói ra lại nuốt xuống.

 

Anh ấy đi bên cạnh tôi, nhẹ giọng nói:

 

“Đi ăn kẹo bông gòn nhé.”

 

“Anh trai mời Uyển Uyển của chúng ta ăn kẹo bông.”

 

Con hạc giấy thứ tám trăm năm mươi tư.

 

8.

 

Sau đó, tôi chuyển trường.

 

Mọi thứ dần lắng xuống.

 

Nhưng vẫn để lại một vài di chứng—tôi sợ hãi tất cả mọi thứ.

 

Vì chuyện này, anh trai tôi không dám quay lại nước ngoài.

 

Anh ấy ở nhà, cùng Tống Thanh Yến theo sát tôi.

 

Mãi đến khi tôi khá hơn nhiều, anh trai tôi mới chịu bước lên máy bay.

 

Tống Thanh Yến đến thường xuyên hơn.

 

Trong một tuần, luôn có vài ngày anh ấy tự mình đưa tôi đến trường.

 

“Anh Thanh Yến, anh đối xử với em tốt như vậy, không sợ em thích anh sao?”

 

Mặt trời buổi sớm luôn là khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày—không quá chói mắt, cũng không quá gay gắt đến mức khiến người ta bực bội.

 

Nó lấp ló sau tầng mây, chỉ lặng lẽ chiếu sáng thế gian, phủ lên vạn vật một lớp ánh vàng ấm áp.

 

Anh ấy im lặng rất lâu.

 

Lâu đến mức tôi tưởng anh ấy không nghe thấy câu hỏi của tôi.

 

Nhưng rồi anh ấy lên tiếng:

 

“Uyển Uyển tốt như vậy, đáng lẽ phải là anh thích em trước mới đúng.”

 

Câu nói ấy có sức sát thương quá lớn, khiến tôi sững sờ tại chỗ, không biết nên trả lời thế nào.

 

Anh ấy quay đầu nhìn tôi:

 

“Sắp trễ rồi, mau đi thôi.”

 

Quả nhiên, buổi sáng chính là thời khắc đẹp nhất trong ngày.

 

Tống Thanh Yến đưa tôi đến cổng trường, nhẹ nhàng bật tay gõ lên trán tôi, động tác rất nhẹ, khóe môi mang theo ý cười:

 

“Mau vào đi. Chuyện yêu đương và thích ai đó, để sau khi tốt nghiệp rồi tính. Học hành cho tốt.”

 

Tôi cũng cười theo:

 

“Thi đậu Thanh Bắc!”

 

“Đi đi, tối nay anh đến đón em.”

 

Thời gian trôi qua rất nhanh.

 

Đến Tết, anh trai tôi bay từ nước ngoài về.

 

Ba mẹ tôi vẫn không về nhà, nhưng không sao cả.

 

Tôi đã lớn rồi.

 

Họ có về hay không, tôi cũng không còn quá quan tâm nữa.

 

Tống Thanh Yến cùng chúng tôi đón năm mới.

 

Ba người ngồi xem pháo hoa cùng nhau.

 

Anh trai tôi bỗng nhiên lấy ra mấy cây pháo que:

 

“Đốt chút đi, không thì Tết cũng nhạt nhẽo quá.”

 

Tống Thanh Yến nhận lấy, tiện tay đưa một cây cho tôi:

 

“Anh còn mua mấy cái pháo lớn để ở nhà các em rồi.”

 

Anh trai tôi ngơ ngác:

 

“Khi nào thế?”

 

Tôi nhanh nhảu trả lời:

 

“Hôm qua—”

 

Anh trai tôi lập tức đè đầu tôi xuống, vò rối mái tóc:

 

“Con nhóc này dạo này thân với Tống Thanh Yến quá rồi đấy, hai người mấy đứa mới đúng là người một nhà phải không? Hợp tác cô lập anh à?”

 

Tôi vừa cười vừa trốn:

 

“Anh Thanh Yến, cứu mạng!”

 

Tống Thanh Yến kéo tôi ra khỏi vòng tay anh trai tôi:

 

“Ninh Cận, bớt bắt nạt em gái anh đi.”

 

Anh trai tôi tức điên lên.

 

“Đó là em gái tôi!”

 

Ba chúng tôi náo loạn một trận, tôi nghĩ—đây là năm tuyệt nhất của tôi.

 

Sau khi đùa giỡn đủ, anh trai tôi bắt đầu giục đi đốt pháo hoa.

 

Những que pháo sáng lấp lánh trong tay, phía trên bầu trời là pháo hoa từ nhà nào đó đã bắn lên, nổ vang ầm ầm, như muốn thắp sáng cả màn đêm.

 

Tống Thanh Yến dùng cây pháo sáng trên tay mình chạm vào cây của tôi, ánh lửa lóe lên, kéo theo một tia sáng rực rỡ.

 

Anh ấy mỉm cười dưới ánh sáng rực rỡ của pháo hoa:

 

“Anh châm lửa giúp em nhé.”

 

Quá đẹp.

 

Pháo hoa đẹp.

 

Mà Tống Thanh Yến cũng đẹp.

 

“Anh Thanh Yến, chúc mừng năm mới.”

 

“Uyển Uyển cũng chúc mừng năm mới, bình an thuận lợi nhé.”

 

Sau đó, vì ngoài trời quá lạnh, chúng tôi kéo nhau vào nhà xem chương trình Gala mừng xuân.

 

Anh trai tôi và Tống Thanh Yến vào bếp rửa hoa quả, còn tôi cuộn mình trong chăn trên sofa, chờ tiết mục hài kịch bắt đầu.

 

“Uyển Uyển, lại đây, thử xem dâu tây có ngọt không.”

 

Tôi chạy ùa đến.

 

Đúng lúc đó, Tống Thanh Yến vừa rửa sạch một quả dâu tây, thuận tay nhét vào miệng tôi.

 

“Ngọt không?”

 

Anh ấy cúi đầu xuống, đưa tai đến gần môi tôi, như thể để nghe rõ hơn câu trả lời của tôi.

 

Miệng tôi đầy dâu tây, giọng nói có chút lúng búng:

 

“Ngọt lắm.”

 

Nghe vậy, anh ấy khẽ cười.

 

Sau đó lau khô tay, lấy từ trong tạp dề ra một bao lì xì đưa cho tôi.

 

“Tiền mừng tuổi cho cô gái nhỏ của chúng ta.”

 

Tôi sững sờ một lúc.

 

Bao lì xì dày dặn, làm tôi bất giác nhớ lại anh ấy từng nói mình nghèo rớt mùng tơi.

 

Tôi chần chừ, định tìm cách từ chối.

 

Anh trai tôi dừng động tác cắt trái cây, tựa vào quầy bếp nhìn tôi:

 

“Nhận đi.”

 

Rồi cũng lấy từ trong túi ra một bao lì xì khác:

 

“Của anh đây.”

 

Chúc mừng năm mới.

 

Con hạc giấy thứ một nghìn.

 

Tôi đã gấp xong rồi.