1.

 

“Chị Ninh, ngày mai anh Diễn có một cuộc hẹn, gọi chị đi cùng đấy.”

 

Tay tôi khựng lại trên màn hình điện thoại, sau đó ngẩng đầu lên, mặt không cảm xúc nhìn đám bạn ăn chơi của Tạ Đình Diễn. Một đám thiếu gia giàu có nhưng chẳng biết gì.

 

Bọn họ đứng đó, khoác vai bá cổ nhau, trên mặt treo nụ cười đầy châm chọc.

 

Là một con chó liếm mặt tận tụy, tôi chọn cách coi như không thấy.

 

Nhanh gọn cất điện thoại đi: “Được thôi.”

 

Bọn họ cười ầm lên, giơ tiền ra ngay trước mặt tôi.

 

“Tao đã bảo là cô ta đi mà, anh Tạ gọi thì sao cô ta dám không đi chứ! Đưa tiền đây, đưa tiền! Tao thua mất hai vạn rồi!”

 

Thiếu gia vẫn là thiếu gia, cá cược tùy tiện cũng lên đến hàng chục nghìn.

 

Tôi bình thản nhìn hết tất cả rồi ánh mắt chạm phải Tạ Đình Diễn.

 

Anh ta nhanh chóng dời mắt đi, đưa chân đá một cú vào kẻ lớn giọng nhất: “Đủ rồi đấy. Thật sự cá cược luôn à? Số tiền này để mời Ninh Uyển ăn cơm đi.”

 

Người kia cười ha hả: “Được, mười bữa cũng được!”

 

Trên màn hình điện thoại hiện lên ngày tháng, tôi không quan tâm Tạ Đình Diễn và đám bạn của anh ta còn nói gì nữa, chỉ cúi mắt nhìn vào ngày.

 

Ngày 7 tháng 10.

 

Có lẽ vì màn hình quá sáng, chói đến mức khiến mắt tôi cay xè.

 

Ngày 7 tháng 10, là ngày giỗ của Tống Thanh Yến.

 

Anh ấy đã rời đi bao lâu rồi, đến cả tôi cũng sắp không nhớ nổi.

 

“Ninh Uyển.”

 

Tôi ngẩng đầu lên, thấy Tạ Đình Diễn đứng đối diện: “Bánh bao của tiệm Chu Ký, như cũ.”

 

“Được.” Tôi đáp lời anh ta.

 

Bánh bao của tiệm Chu Ký lúc nào cũng khó mua. Hai vợ chồng già làm đồ ăn vừa rẻ vừa ngon, là quán ăn sáng hot nhất khu Thượng Thành. Tôi đã không biết bao nhiêu lần chạy đi mua giúp Tạ Đình Diễn.

 

Sáng sớm 5 giờ rưỡi đã phải xếp hàng, chờ đến 6 giờ, rồi cầm mấy chiếc bánh bao còn nóng hổi đem đến cho anh ta.

 

Nhật ký của chó liếm mặt: Trời chưa sáng đã dậy đưa đồ ăn sáng cho người thương.

 

“Chị Ninh, tối nay đi cùng bọn em nhé? Trông chừng anh Diễn một chút, hôm nay tiệc rượu có nhiều em gái lắm đó.”

 

Tôi nhìn Tạ Đình Diễn: “Không đi, hôm nay có việc.”

 

“Chị thì có việc gì được chứ?”

 

Tạ Đình Diễn mở miệng hỏi tôi.

 

Đương nhiên là —— chuyện quan trọng hơn anh.

 

Tôi không trả lời, mở điện thoại lên rồi lại tắt đi, cuối cùng chỉ nói một câu “Tôi đi đây.” Sau đó quay lưng rời đi, không hề ngoảnh đầu lại.

 

Ra đến ven đường, tôi vẫy một chiếc taxi.

 

“Cô gái, đi đâu đây?”

 

“Nghĩa trang ngoại thành.”

 

Tài xế hơi khựng lại: “Đi thăm ai à?”

 

Tôi khẽ đáp một tiếng, trong đầu lại thoáng qua gương mặt chẳng khác gì Tạ Đình Diễn.

 

Tài xế không nói gì thêm, tôi cũng được yên tĩnh.

 

Chiếc xe lướt qua nhóm người của Tạ Đình Diễn.

 

Tôi ngồi trong xe, ánh mắt chạm phải Tạ Đình Diễn. Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ cảm thấy đáy mắt anh ta lạnh đến thấu xương.

 

Mộ của Tống Thanh Yến nằm ở hàng thứ mười, ngôi thứ bảy.

 

Tôi từng bước từng bước đi lên, cuối cùng dừng lại trước bia mộ của anh ấy.

 

Anh à, lại một năm nữa rồi.

 

Lần này em không mua gì cho anh cả, anh đừng trách em keo kiệt nhé.

 

Em có hơi nhớ anh, anh à.

 

Tôi ngồi xuống đó, lặng lẽ trò chuyện với Tống Thanh Yến trong lòng suốt cả một ngày.

 

Mãi đến khi chuông điện thoại vang lên—là Tạ Đình Diễn gọi.

 

Tôi nghe máy nhưng không nói gì.

 

Đầu dây bên kia chỉ có tiếng nhiễu điện, cuối cùng vang lên giọng điệu chẳng mấy vui vẻ của Tạ Đình Diễn:

 

“Ninh Uyển, cô xem tôi như thế thân.”

 

Tôi đứng dậy, chân tê rần. Quay đầu lại, tôi nhìn thấy Tạ Đình Diễn đứng sững trên bậc thềm.

 

Khoảng cách không xa, chắc anh ta đã nhìn thấy bức ảnh trên bia mộ của Tống Thanh Yến.

 

Câu nói đó của anh ta, từng chữ đều như nghiến răng mà nói ra.

 

Đường đường là cậu ấm nhà họ Tạ, có lẽ chưa từng bị ai đối xử như thế này.

 

Tôi không đáp.

 

Anh ta nhìn tôi, trong mắt đầy phẫn nộ, nhưng lại chẳng thể phát tiết ra ngoài:

 

“Cô phân biệt được không? Tôi và anh ta.”

 

Tôi đương nhiên phân biệt được.

 

Tống Thanh Yến và Tạ Đình Diễn, từ đầu đến cuối, chỉ có gương mặt là giống nhau bảy phần.

 

Ngoài khuôn mặt ấy ra, hai người họ không có điểm nào giống nhau cả.

 

2.

 

Lần đầu tiên tôi gặp Tống Thanh Yến là năm tôi học lớp mười, mười lăm tuổi.

 

Lúc đó, anh ấy đang cùng anh trai tôi ngồi trong phòng khách chơi điện tử.

 

Anh trai tôi nói, anh ấy là một thiên tài, học cùng khóa với anh. Nói cách khác, khi ấy Tống Thanh Yến đã mười chín tuổi, đang học năm ba đại học.

 

Anh ấy có một gương mặt rất đẹp, mang theo nét lạnh lùng, vừa tinh tế vừa tuấn tú.

 

Thế nhưng, tính cách anh ấy lại dịu dàng, là kiểu người ôn nhu như ngọc, phong thái như một quý công tử thực thụ.

 

Anh trai tôi gọi tôi đến bên cạnh làm bài tập. Hai người con trai ngồi chơi điện tử rất yên tĩnh, không trò chuyện cũng không la hét om sòm.

 

Tôi ngoan ngoãn ngồi xổm bên bàn trà làm bài toán.

 

Nhưng mà, tôi với toán học vốn chẳng có duyên.

 

Vắt óc suy nghĩ thế nào cũng không giải được bài cuối cùng.

 

Chính lúc ấy, Tống Thanh Yến hơi nghiêng người về phía tôi, giọng nói trong trẻo mà ôn hòa:

 

“Câu này không làm được à?”

 

Tôi ngẩn ra, vành tai hơi nóng lên.

 

Anh ấy khẽ cười: “Chỉ cần vẽ thêm một đường phụ là được.”

 

Anh ấy rút bút khỏi tay tôi, nhanh gọn vạch một đường trên hình vẽ, khiến tôi lập tức sáng tỏ. Sau đó, tôi thuận lợi giải bài, thậm chí còn vô thức cho rằng anh ấy sẽ quay lại chơi điện tử tiếp.

 

Vậy nên khi làm xong bài, tôi mới nhẹ nhàng thở ra.

 

Nhưng không ngờ, anh ấy vẫn luôn nhìn tôi.

 

Nụ cười dịu dàng: “Làm đúng hết rồi, em gái thông minh lắm.”

 

Tôi không biết anh ấy và anh trai tôi thân nhau từ khi nào, nhưng từ ngày hôm đó, mỗi khi đến kỳ nghỉ, anh ấy thường theo anh trai tôi đến nhà tôi chơi.

 

Có lúc đi cùng nhiều người khác, họ cùng nhau thảo luận đề tài nghiên cứu.

 

Có lúc chỉ có một mình anh ấy, nằm trên sofa cùng anh trai tôi chơi điện tử.

 

Hoặc làm những việc khác.

 

Tôi luôn thích lén nhìn anh ấy, hoặc cầm bài tập đến hỏi.

 

Có khi chẳng có bài nào thực sự cần hỏi, tôi lại cố tình chọn vài câu đơn giản đến phát chán mang sang.

 

Tống Thanh Yến chưa bao giờ nói gì, chỉ mỉm cười giảng giải cho tôi xong xuôi.

 

Sau đó, anh ấy lại lấy từ trong túi ra một viên kẹo đưa cho tôi.

 

Tôi không nỡ ăn, lén lút cất đi, từng viên từng viên chất đầy cả một lọ thủy tinh.

 

Ánh nắng chiếu lên bàn học của tôi, chiếu lên chiếc lọ kẹo. Giấy gói kẹo trong suốt, ánh sáng phản chiếu trên bàn học biến thành những mảng màu rực rỡ, tựa như khung cảnh chỉ có trong truyện cổ tích.

 

Sau này, anh trai tôi ra nước ngoài làm sinh viên trao đổi. Nhà chỉ còn mình tôi, và người đến chăm sóc tôi lại trở thành Tống Thanh Yến.

 

Anh ấy đến rất thường xuyên, nhưng chẳng theo quy luật nào.

 

Mỗi lần đến đều xách theo rất nhiều thức ăn, sau đó đi thẳng vào bếp, đeo tạp dề rồi nấu những món mà tôi thích ăn.

 

Tôi đứng ngay cửa nhìn anh ấy.

 

“Anh à, sao anh không đi làm sinh viên trao đổi?”

 

Tay cầm dao của Tống Thanh Yến khựng lại một chút, rồi anh vẫn giữ nụ cười dịu dàng như mọi khi:

 

“Vì anh nghèo rớt mùng tơi, không có đủ tiền.”

 

Tôi im lặng hồi lâu.

 

Tống Thanh Yến nhanh chóng nhận ra, anh nhìn tôi, đổi chủ đề:

 

“Hôm nay làm sườn xào chua ngọt cho Uyển Uyển nhé?”

 

Tôi cũng cười: “Được, món này em thích nhất.”

 

Anh ấy thực sự rất nghèo.

 

Nếu anh ấy không nói ra, nếu tôi không bắt đầu quan sát anh thật tỉ mỉ vì điều này, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nhận ra.

 

Tống Thanh Yến có khí chất rất tốt, là kiểu công tử ôn hòa, phong thái như người sinh ra trong danh môn quyền quý.

 

Quần áo anh ấy mặc lúc nào cũng sạch sẽ, không để lộ vẻ rẻ tiền.

 

Nhưng thực ra, nhiều món trong số đó đã là kiểu dáng cũ từ rất lâu rồi.

 

Chỉ là anh ấy có dáng người cao ráo, trông rất đẹp, khiến người ta vô thức bỏ qua những điều ấy.

 

Anh trai tôi chưa từng nhắc đến hoàn cảnh gia đình của anh ấy, mà Tống Thanh Yến cũng chưa bao giờ nói.

 

Vậy nên tôi cũng không hỏi.

 

Có những chuyện, càng hỏi lại càng trở nên không hay.

 

Năm mười lăm tuổi, tôi bắt đầu viết nhật ký, từng trang từng trang.

 

Nhân vật chính luôn là Tống Thanh Yến.

 

Cảm xúc rung động của một thiếu nữ đến thật bất ngờ. Lúc ấy tôi còn chẳng biết đó chính là thích.

 

Vậy nên tôi chỉ xem như bản thân đặc biệt quan tâm anh ấy mà thôi.

 

Về sau, quyển nhật ký dần trở thành bằng chứng ghi lại sự tồn tại của anh ấy trong cuộc đời tôi.

 

Tống Thanh Yến làm rất nhiều công việc bán thời gian.

 

Anh ấy là một người tốt, rất nhiều người thích anh ấy.

 

Ông chủ thích anh ấy, khách hàng thích anh ấy, thầy cô bạn bè lại càng thích anh ấy.

 

Không ai là không thích anh ấy.

 

Tôi thường chạy đến chỗ anh ấy làm thêm, chờ anh ấy tan ca, sau đó để anh ấy đưa tôi về nhà, hoặc chúng tôi sẽ cùng đi ăn một bữa.

 

“Uyển Uyển, sau này em muốn làm gì?”

 

“Em không biết nữa, còn anh thì sao?”

 

“Anh à, chắc là muốn trở thành người có thể kiếm ra tiền.”

 

Ánh trăng rọi xuống, phủ lên mọi thứ một tầng ánh sáng bạc.

 

Tôi đi theo sau Tống Thanh Yến một chút, lén lút dùng cái bóng của mình chạm vào cái bóng của anh ấy.

 

Hai bàn tay trong bóng đổ chồng lên nhau, tôi liền bật cười.

 

Tống Thanh Yến nói, anh ấy muốn trở thành một người có thể kiếm được nhiều tiền.

 

Anh ấy là một thiên tài. Khi người khác mười tám tuổi còn chưa chắc có thể thi đậu vào ngành tài chính khó nhất của trường Thanh Đại danh giá, thì anh ấy đã là sinh viên năm hai từ lâu rồi.

 

Thậm chí còn được tuyển thẳng vào hệ cử nhân – thạc sĩ – tiến sĩ liên thông.

 

Tôi tung tăng chạy đến bên cạnh anh ấy: “Sau này anh nhất định sẽ kiếm được rất nhiều tiền!”

 

Tống Thanh Yến bật cười: “Được, anh mượn lời may mắn của Uyển Uyển nhé.”

 

Anh ấy nói: “Đến lúc đó, người đầu tiên anh mời cơm nhất định là Uyển Uyển.”

 

Tôi đưa ngón út ra: “Vậy anh không được nuốt lời đâu đấy.”

 

Tống Thanh Yến không hề chê cười một cô bé mười lăm tuổi như tôi vẫn còn chơi trò móc ngoéo hứa hẹn ngây ngô này.

 

Anh chỉ hơi cúi người, dùng ngón út của mình móc lấy ngón út của tôi, rồi nhẹ nhàng ấn một dấu tay lên.

 

“Ừ, không nuốt lời.”

 

3.

 

Năm tôi mười sáu tuổi, học lớp mười một, Tống Thanh Yến đã là sinh viên năm ba.

 

Anh trai tôi vẫn chưa về, người chăm sóc tôi vẫn là Tống Thanh Yến.

 

Tôi có chút may mắn vì điều đó.

 

Trường tổ chức một chuyến dã ngoại mùa xuân, đột nhiên thông báo rằng học sinh có thể rủ người thân đi cùng.

 

Tôi bất chợt sững lại.

 

Cả lớp như nước sôi ùng ục, mọi người hào hứng bàn tán không ngừng.

 

“Tớ sẽ đi cùng mẹ! Mẹ tớ xinh lắm!”

 

Mẹ tôi cũng rất xinh đẹp.

 

“Vậy tớ sẽ đi cùng bố! Bố tớ đối xử với tớ siêu tốt, còn vui tính nữa, bọn tớ như hai anh em ấy!”

 

Bố tôi cũng rất tốt.

 

“Tớ không muốn rủ bố mẹ, tớ rủ anh trai! Anh trai tớ đỉnh lắm biết không, đẹp trai nhất luôn, đến lúc đó đảm bảo làm mấy cậu chết mê!”

 

Anh trai tôi cũng rất đẹp trai.

 

“Ninh Uyển, cậu đi cùng ai vậy?”

 

Chủ đề bỗng nhiên chuyển hướng sang tôi, như một chiếc máy bay giấy bay ngang qua trời, rồi đâm sầm vào tôi, để lại một vết đau nhoi nhói.

 

Tôi không biết phải trả lời thế nào.

 

Ba mẹ tôi ở nước ngoài, ba năm năm năm cũng chưa chắc gặp được. Nếu không có ảnh chụp, có lẽ tôi cũng chẳng nhớ rõ khuôn mặt họ.

 

Anh trai tôi cũng đang ở nước ngoài, chẳng lẽ chỉ vì một chuyến dã ngoại mà gọi anh ấy quay về?

 

Tôi lắc đầu, né tránh chủ đề này.

 

Tan học, tôi định mua một cây xúc xích rẻ tiền trước cổng trường, nhưng đã bán hết mất rồi.

 

Vậy nên tôi chỉ có thể từng bước từng bước đi bộ về nhà.

 

Đến cửa, tôi phát hiện mình làm mất chìa khóa.

 

Tôi cúi đầu, cắm cúi lục tung trong túi xách, nhưng càng tìm mắt càng mờ đi, rồi sau đó nước mắt rơi xuống sách vở trong cặp, từng giọt từng giọt, đọng lại thành những vệt trũng nhỏ.

 

Tôi bắt đầu khóc òa lên.

 

Cảm xúc này đến thật bất chợt, ngay cả tôi cũng không hiểu nổi chính mình.

 

“Uyển Uyển?”

 

Tống Thanh Yến dừng lại một chút, rồi bước đến bên tôi, ngồi xổm xuống:

 

“Sao lại khóc thành thế này rồi? Đã xảy ra chuyện gì à?”

 

Tôi dùng sức lau nước mắt:

 

“Chìa khóa không thấy đâu nữa.”

 

“Anh ơi, chìa khóa của em mất rồi, em tìm không thấy nữa.”

 

Nhưng nước mắt vẫn không kìm được mà rơi xuống.

 

Tôi tìm không thấy dấu vết tình yêu của ba mẹ, cũng không tìm thấy bóng dáng của anh trai.

 

Tôi không mua được cây xúc xích trước cổng trường, cũng làm mất chìa khóa nhà.

 

Tống Thanh Yến khẽ thở dài, lấy khăn giấy từ trong túi ra, dịu dàng lau nước mắt cho tôi.

 

“Anh có mang này, không sao đâu. Sau này anh dẫn em đi làm chìa khóa mới, còn mua thêm móc khóa mới, chọn cái mà Uyển Uyển thích nhất. Được không?”

 

Tôi gật đầu.

 

Tống Thanh Yến cuối cùng cũng lau khô nước mắt cho tôi, đứng dậy mở cửa:

 

“Sau này không được dùng tay trực tiếp dụi mắt, tay có vi khuẩn, không tốt cho mắt đâu. Biết không?”

 

Tôi vẫn gật đầu.

 

Anh ấy xoa đầu tôi: “Vào nhà đi, hôm nay muốn ăn gì?”

 

Tôi nói gì cũng được.

 

Anh ấy bật cười: “Vậy để anh tự quyết nhé.”

 

Lúc bữa ăn đã dọn lên bàn, anh đột nhiên hỏi tôi:

 

“Trường em có tổ chức dã ngoại cho phụ huynh tham gia đúng không?”

 

Tôi ngẩn ra.

 

Anh ấy tiếp tục nói:

 

“Anh có một người em họ học cùng trường với em. Dạo này anh cũng muốn đi đâu đó thư giãn một chút, có thể đi cùng Uyển Uyển không?”

 

Tôi cúi đầu cắm cúi ăn, sợ rằng vừa mở miệng sẽ nghẹn ngào.

 

Vậy nên tôi vẫn chỉ gật đầu.

 

Tống Thanh Yến tựa vào ghế, cười nhẹ:

 

“Ăn từ từ thôi, cảm ơn Uyển Uyển nhé.”

 

Là tôi mới phải cảm ơn anh.

 

Là tôi mới phải cảm ơn anh, anh ơi.

 

4.

 

Hôm đi dã ngoại, Tống Thanh Yến ăn mặc rất đẹp.

 

Thực ra cũng không có gì quá đặc biệt, chỉ là một chiếc sơ mi trắng đơn giản phối với quần âu đen.

 

Có lẽ vì trời nắng quá, anh ấy đội thêm một chiếc mũ lưỡi trai màu đen.

 

Nhưng chỉ vậy thôi cũng đã thu hút ánh nhìn của rất nhiều nữ sinh.

 

“Ninh Uyển, đây là anh trai cậu hả? Đẹp trai quá đi mất!”

 

Tống Thanh Yến đặt tay lên vai tôi, nở nụ cười dịu dàng:

 

“Chào em.”

 

Bạn tôi cười đáp lại, rồi cả nhóm ríu rít kể những chuyện thú vị trong trường.

 

Tống Thanh Yến từ đầu đến cuối đều không hề tỏ ra mất kiên nhẫn, chăm chú lắng nghe những câu chuyện vụn vặt về cuộc sống học đường tẻ nhạt của tôi, như thể thực sự hứng thú vậy.

 

“Anh ơi, anh nghe những chuyện này không thấy chán à?”

 

Tống Thanh Yến lắc đầu, nhẹ nhàng vặn nắp chai nước khoáng rồi đưa cho tôi:

 

“Không đâu, rất thú vị mà.”

 

“Có bạn bè cùng học, cùng ăn cơm, cùng than thở với nhau. Những ngày tháng như vậy, rất tốt mà, Uyển Uyển.

 

“Sau này khi em nhớ lại, em sẽ cảm thấy đó là khoảng thời gian đẹp đẽ.”

 

“Vì sao ạ?”

 

Anh ấy cười:

 

“Vì đó chính là thanh xuân.”

 

Thanh xuân—một thời tuổi trẻ không thể quay lại nữa.

 

Thanh xuân của mỗi người thường dừng lại ở những năm tháng trung học.

 

Còn trong thanh xuân của tôi, Tống Thanh Yến chính là nét mực đậm nhất.

 

Địa điểm dã ngoại là bên bờ biển.

 

Chúng tôi men theo mép nước đi rất lâu, cuối cùng anh ấy đưa tôi về nhà.

 

“Buổi tối muốn ăn gì? Anh nấu cho em nhé?”

 

Tôi lắc đầu, không muốn để anh ấy lại vào bếp nấu nướng nữa:

 

“Anh ơi, hôm nay mình đi ăn ngoài đi, em mời anh ăn đồ nướng!”

 

Tống Thanh Yến không từ chối.

 

Màn đêm mùa hè cuối cùng cũng mang theo chút hơi mát, anh ấy đặt chiếc mũ lưỡi trai lên đầu tôi, nụ cười rạng rỡ.

 

Tôi nhìn thấy—trong mắt anh ấy phản chiếu một tôi nhỏ bé.

 

“Anh ơi, sao trăng hôm nay tròn quá vậy?”

 

Anh cùng tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời:

 

“Vì hôm nay là mười sáu.”

 

Tết Nguyên Tiêu, ngày rằm mười sáu.

 

Hồi ông bà nội còn sống, họ thường ôm tôi vào lòng, hai ông cháu ngồi trong sân ngắm trăng. Ông bà vẫn hay nói: “Trăng rằm mười lăm, mười sáu mới tròn.”

 

Tôi mỉm cười, nghiêng đầu nhìn về phía Tống Thanh Yến:

 

“Giống như một chiếc đĩa ngọc vậy.”

 

Bạch ngọc bàn.

 

Anh ấy đưa tay khẽ xoa đầu tôi:

 

“Về nhà thôi.”

 

Trong lớp bắt đầu thịnh hành trào lưu xếp hạc giấy.

 

Người ta nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con hạc giấy rồi tặng cho người mình thích, điều ước sẽ thành hiện thực.

 

Tôi chẳng biết câu chuyện ấy xuất phát từ đâu, nhưng vẫn mua rất nhiều giấy màu.

 

Mỗi tối, hoặc mỗi khi mệt mỏi, tôi lại lấy ra một tờ, viết một câu lên đó, rồi gấp lại, thả vào trong chiếc lọ thủy tinh.

 

Hôm nay trời đẹp quá, anh ơi.

 

Em vừa gặp ác mộng, nhưng giờ chẳng sợ chút nào nữa.

 

Anh dịu dàng quá, em sẽ ngày càng thích anh mất thôi.

 

Bạn bè hay trêu ghẹo, cứ chồm người qua xem, rồi cười tít mắt chọc tôi:

 

“Thích ai thế? Còn gọi là anh nữa? Có bí mật gì đây?”

 

Tôi bật cười né tránh.

 

Thích một người đặc biệt tốt, đặc biệt dịu dàng.

 

Thích anh ấy.

 

Tôi đã gấp được hai trăm linh tám con hạc giấy rồi.