30.

 

Lục Chiếu chỉ hơn tôi một tuổi, nhưng lại cho tôi cảm giác bị “áp bức” như một ông bố nghiêm khắc.

 

Ví dụ như, sáng sớm anh đến lắp chuông báo khói cho tôi.

 

“Chúng ta ở trên dưới một nhà, chỗ cô cháy, tôi cũng không thoát được đâu… Đưa tôi cái tua vít.”

 

Tôi vội vàng đưa tua vít cho anh.

 

Thấy anh gõ gõ, lắp lắp trong bếp, còn tận tâm hơn cả thợ sửa.

 

Tôi có chút mơ hồ.

 

Cảm giác như có gì đó không đúng… nhưng cũng chẳng có gì sai.

 

Buổi trưa tôi mời anh ở lại ăn cơm, vốn chỉ là khách sáo một câu.

 

Anh suy nghĩ một giây, rồi thật sự gật đầu: “Được.”

 

31.

 

Bữa trưa có món thịt bò kho mềm thấm vị, thêm vài món xào giản dị hằng ngày.

 

Lục Chiếu ăn rất nhiệt tình, hết hai bát cơm, còn chủ động đi rửa bát.

 

Cản cũng không được.

 

Anh rửa nồi, lau sạch bếp, cuối cùng giặt luôn khăn lau.

 

Sau đó xách hộp dụng cụ của mình, thong thả rời đi.

 

Trên bàn để lại một mảnh giấy ghi số điện thoại của anh.

 

Tôi tự định nghĩa anh là — người hàng xóm hơi kỳ lạ, nhưng rất đáng tin.

 

32.

 

Khi mẹ tôi gọi đến, thái dương tôi giật từng cơn.

 

Có một linh cảm chẳng lành.

 

“Sao mẹ lại sinh ra đứa con ngốc thế này! Ở bên nó bốn năm, khổ thì chịu rồi, giờ nhà xe có rồi, công ty cũng mở, con lại đòi chia tay?!”

 

… Không chen nổi vào một câu.

 

Âm lượng chói tai khiến đầu tôi đau như muốn nổ tung.

 

“Hứa Bân nói với mẹ rồi, anh ta với con nhỏ kia chẳng có gì, chỉ cần con nguôi giận là lập tức kết hôn.”

 

Cuối cùng bà mệt mỏi, trực tiếp hạ lệnh —

 

“Làm vợ chồng, ai chẳng cãi vã. Mau quay về đăng ký kết hôn đi, thế mới yên lòng.”

 

33.

 

Lại là trò của Hứa Bân.

 

Dạo này, anh ta bắt đầu giở lại chiêu cưa cẩm khi xưa.

 

Ngày nào cũng có hoa tươi và trái cây đắt tiền gửi đến tận cửa, thiệp xin lỗi không câu nào giống câu nào.

 

Khiến tôi phải lên xuống sáu tầng để vứt rác mỗi ngày.

 

Giờ thì đến mẹ tôi cũng bị làm phiền rồi.

 

… Anh ta thật sự không hiểu tôi chút nào.

 

“Chúng con chia tay rồi, con không quay về nữa.” Tôi nói nhỏ nhưng kiên quyết.

 

Mẹ tôi có vẻ không ngờ tôi lại dứt khoát như vậy, im lặng rất lâu rồi thở dài một tiếng.

 

“… Con thật là chẳng biết điều gì cả.”

 

Nước mắt tôi lập tức trào ra.

 

34.

 

Tôi ghét phải “biết điều”.

 

Khi một người chẳng còn mong cầu gì nữa, thứ duy nhất họ có thể làm… chính là “biết điều”.

 

Có lẽ nó còn có tên khác, gọi là “chịu đựng”.

 

“Mẹ à, anh ấy không còn yêu con nữa.”

 

Điện thoại lại rơi vào im lặng.

 

“… Yêu với không yêu thì sao chứ, sống chung lâu rồi chẳng phải cũng như nhau hết à, con cũng phải lập gia đình chứ.”

 

“Không phải vậy, không giống nhau đâu mẹ.”

 

35.

 

Sao có thể giống nhau được?

 

Tình yêu là bộ áo giáp bảo vệ ta khỏi những mỏi mệt của cuộc sống.

 

Hai người không có tình yêu thì sao chịu đựng nổi sự bào mòn của thời gian?

 

Giống như cha mẹ tôi, sau những ngày tháng cãi vã không ngừng, đã cạn kiệt mọi thứ của nhau.

 

Những món đồ bị đập vỡ kia, chính là tuổi thơ tan nát của tôi.

 

Ban đầu, Hứa Bân từng yêu tôi.

 

Vì thế sự thay đổi của anh ấy mới khiến tôi đau đến thế.

 

Ngay cả tình cảm chân thành và lời hứa còn không đáng tin.

 

Tôi đâu dám cược thêm lần nữa?

 

36.

 

Tôi và mẹ, không ai thuyết phục được ai.

 

Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

 

Nửa đêm, sốt cao.

 

Cố gắng gọi thuốc giao đến, rồi lại thiếp đi lần nữa.

 

Trong cơn mê man, tôi nghe tiếng gõ cửa dồn dập.

 

Là Lục Chiếu. Khi mở cửa ra, tôi thấy gương mặt anh đầy lo lắng đến nghiêm trọng.

 

Rồi cả người tôi chao đảo.

 

Tỉnh lại đã là trong phòng bệnh.

 

“Hết sốt rồi. Truyền xong chai này, đợi có kết quả xét nghiệm là có thể về.”

 

Y tá trưởng vừa thay chai dịch truyền, vừa nghiêm giọng dặn dò.

 

“Người trẻ phải biết cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, đổ bệnh rồi thì kiếm bao nhiêu tiền cũng vô ích.”

 

Tôi hé môi định giải thích, nhưng cổ họng khô rát không phát ra tiếng.

 

Ngay giây sau đó, Lục Chiếu bưng khay nước bước vào, thuần thục kê gối cao cho tôi rồi bắt đầu đút nước.

 

Y tá trưởng không nhịn được khen: “Cậu trai này khéo ghê, chăm sóc bạn gái chu đáo thật.”

 

Tôi sặc ngay, ho dữ dội.

 

37.

 

Nước vừa uống vào đã phụt hết lên người Lục Chiếu. Anh bình tĩnh rút khăn giấy lau qua loa, chẳng buồn giải thích.

 

“Còn uống nữa không?”

 

“Không… không uống nữa.” Tôi ngại ngùng rút vào trong chăn, mười ngón chân như muốn chọc thủng đất.

 

Không soi gương cũng biết bộ dạng mình giờ thế nào.

 

Tóc hai ngày chưa gội, mặt bóng nhẫy dầu, mặc đồ ngủ in hình SpongeBob trẻ con, mắt sưng húp vì khóc.

 

… Thật muốn độn thổ.

 

“Người giao thuốc gõ cửa mãi không ai mở, làm tôi phải ra xem.”

 

“Lại làm phiền anh rồi, ngại quá…” Tôi lí nhí cảm ơn.

 

Anh liếc nhìn tôi, giọng mang chút trêu chọc.

 

“… May mà đưa đi kịp, không thì ngốc thêm mất.”

 

38.

 

Trên đường về, Lục Chiếu lái xe.

 

Tôi bị anh quấn chặt trong áo khoác nam.

 

Anh lái xe rất vững, áo của anh còn phảng phất mùi cỏ xanh dễ chịu.

 

Tôi còn hơi yếu, không kiềm được mà ngủ gật trên ghế phụ.

 

Nửa tỉnh nửa mơ, có người nhẹ nhàng bế tôi lên.

 

Lên tới tầng hai thì tôi tỉnh hẳn, muốn xuống.

 

Lục Chiếu nhướng mày, không dừng lại, cứ thế bế thẳng đến cửa nhà.

 

Tôi rút người lại trong lòng anh, mặt đỏ như tôm luộc.

 

39.

 

Tôi nợ Lục Chiếu quá nhiều ân tình.

 

Nhưng tôi cũng mơ hồ cảm nhận được, anh dành cho tôi sự quan tâm không giống người thường.

 

Rõ ràng mới quen chưa bao lâu.

 

Cảm giác này thật kỳ lạ.

 

Nghĩ tới nghĩ lui, nên mời anh ăn một bữa để cảm ơn, nhưng tốt nhất không nên ăn riêng.

 

Tôi gọi A Thu tới.

 

A Thu vừa thấy tôi liền mắng một trận, ốm mà không nói cho cô ấy biết.

 

Nghe tôi kể lại mọi chuyện, mắt cô ấy đảo liên hồi.

 

“Vậy là cậu muốn tớ giúp cậu đẩy thuyền tình, hay là—” Cô ấy chụm hai ngón tay, “bóp tắt đốm lửa nhỏ này?”

 

Tôi đỏ mặt, nhất thời không biết mình nghĩ gì.

 

Lục Chiếu rất tốt, nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ mới.

 

Vì vậy, có lẽ giữ khoảng cách an toàn là tốt nhất.

 

40.

 

Sẩm tối, bất ngờ tuyết rơi.

 

Lục Chiếu xách một túi to đầy nguyên liệu nấu ăn đứng trước cửa. Dính ít tuyết, tóc đen ướt sũng.

 

Tôi vì vừa mới khỏi bệnh, vội nhắc anh về nhà hong khô để khỏi cảm lạnh.

 

Anh “ừ” một tiếng, ngoan ngoãn quay lên tầng.

 

Anh vừa rời đi, A Thu đã túm lấy vai tôi lắc lấy lắc để.

 

“Trình Duệ! Gặp được nhân vật đỉnh cao thế này mà cậu không rung động à? Cậu có còn là người không?!”

 

Tôi bị cô ấy lắc đến rối tung cả người. “… Nghe tớ giải thích đã.”

 

“Tớ không nghe! Không nghe!” Cô ấy nhập vai kịch sĩ, như phát rồ.

 

“Cậu không hiểu câu ‘gần nước thì được cá’ à? Xông lên! Hốt sạch, đừng chùn bước!”

 

41.

 

Tôi không ngờ Lục Chiếu lại xuống nhanh như vậy.

 

Vẻ mặt vẫn bình tĩnh, nhưng tôi cảm giác hình như tai anh hơi ửng đỏ.

 

Vừa nãy cửa chính chỉ khép hờ.

 

Những lời “hổ báo” của A Thu, chắc anh nghe hết rồi.

 

Ánh mắt Lục Chiếu dừng lại trên tay tôi một thoáng, khẽ cau mày.

 

… Lại là dáng vẻ nghiêm nghị của một ông bố khó tính.

 

“Cô đi đun nước, tôi rửa rau.”

 

Tôi nhìn tay mình, vì vừa ngâm trong nước lạnh nên hơi đỏ lên.

 

A Thu ở phòng khách cứ nháy mắt ra hiệu, ra sức vẫy tay như bảo tôi “nhảy vào đi, nhảy vào đi”.

 

 

Tôi quay đầu đi chỗ khác, chọn cách phớt lờ.

 

Ngại quá, hay là đi đổ rác cho đỡ lúng túng vậy.

 

42.

 

Tuyết bay lả tả giữa không trung, xoay xoay như múa.

 

Tôi ngẩng đầu, nhìn ô cửa sổ tầng năm hắt ra ánh sáng ấm áp.

 

Hai cảnh vật phản chiếu lên nhau, đẹp đến lạ thường.

 

Tôi bỗng có chút cảm giác thuộc về.

 

Tay cầm ô, tay xách túi rác, tôi lóc cóc đi về phía trước.

 

Xe của Hứa Bân đậu phía trước.

 

Trên mui phủ một lớp tuyết mỏng, không biết đã chờ bao lâu.

 

Cửa sổ xe mở hé, người ngồi bên trong đang hút thuốc, tàn lửa lập lòe.

 

Anh ta thấy tôi qua gương chiếu hậu, liền vội vã dụi thuốc, xuống xe, giẫm tắt.

 

43.

 

Tôi sinh ra ở miền Nam, hiếm khi thấy tuyết.

 

Sau này ra Bắc học và làm việc, mỗi khi tuyết rơi dày, tôi đều rất phấn khích.

 

Cứ kéo Hứa Bân xuống sân làm người tuyết, chụp ảnh.

 

Hứa Bân vừa cười nhạo tôi chưa từng thấy đời, vừa áp bàn tay lạnh cóng của tôi vào ngực mình sưởi ấm.

 

Lúc này, tuyết vẫn là tuyết, chỉ người đã là người cũ.

 

44.

 

So với lần trước gặp, Hứa Bân rõ ràng gầy đi rất nhiều.

 

Thật ra tôi không hiểu, anh cứ đến tìm tôi hết lần này đến lần khác là vì điều gì.

 

Muốn níu kéo ư? Cũng chẳng có hành động gì.

 

Hối hận ư? Không còn ý nghĩa gì nữa.

 

“Ban đầu, anh nghĩ đến nhờ bác gái khuyên em, nhưng…” Hứa Bân ngập ngừng mở lời.

 

“Có lẽ là anh rối trí quá. Chỉ muốn nhanh chóng cứu vãn mọi thứ, đến nỗi chẳng suy nghĩ rõ vấn đề nằm ở đâu.” Anh cười khổ, lại lấy tinh thần nhìn tôi.

 

“Duệ Duệ, nếu anh nói anh và Vương Tử Hinh đã hoàn toàn cắt đứt, không còn liên lạc nữa, em…”

 

Em có thể tha thứ cho anh không?

 

Dù anh chưa nói hết, tôi hiểu rõ.

 

Nhưng tôi sẽ không làm thế.

 

Vấn đề giữa chúng tôi chưa bao giờ chỉ là một mình Vương Tử Hinh.

 

45.

 

“Hứa Bân, anh thật sự còn yêu em sao?” Tôi thực lòng nghi hoặc.

 

“Yêu một người, sao có thể thờ ơ với cảm xúc của cô ấy?”

 

Hứa Bân định nói gì đó, lại nghẹn lời, sắc mặt lúc trắng lúc xanh.

 

Có lẽ khi mọi chuyện được phơi bày, ngay cả bản thân anh cũng chẳng thể tìm ra bằng chứng cho tình yêu đó.

 

“Không chỉ là yêu. Có em bên cạnh, anh cảm thấy rất vững lòng… chắc là anh đã quen được em nuông chiều rồi…”

 

Sau cùng, anh bật cười khổ, mắt hoe đỏ.

 

“Nhưng Duệ Duệ, anh từng nghĩ, cho dù có phai nhạt, chúng ta cũng sẽ không bao giờ chia xa.”

 

Tôi lắc đầu.

 

Làm gì có chuyện mãi mãi.

 

Con người rồi sẽ mệt mỏi.