Một vết thương trong quá khứ, chỉ đơn giản là một chuyện đáng quên đi.
Nhưng tôi không hề biết. Đêm hôm đó, mẹ tôi đã giết người.
Tôi càng không biết rằng người bị giết chết kia, lại là con trai duy nhất của Phó Chí Thành – kẻ mà cả thương giới phải e dè khi nghe nhắc đến.
Nghĩ lại, đây quả thực là nghiệt duyên.
Phó Chí Thành lừa gạt mẹ tôi, phản bội bà, khiến bà từ một cô gái yêu đời trở nên tuyệt vọng với tình yêu.
Ông hủy hoại bà, khiến bà mất đi đứa con trong bụng, thậm chí phải cắt bỏ tử cung, cả đời không thể sinh con.
Nhưng mẹ tôi cũng không phải người dễ dàng buông tha. Bà đã khiến ông ta mất đi khả năng làm đàn ông, và bằng một cách nào đó, bà vô tình giết chết luôn cả đứa con trai độc nhất của ông ta.
Vòng vòng luẩn quẩn, ân oán tình thù chồng chất. Trả thù, tổn thương lẫn nhau, như thể định mệnh đã an bài từ lâu.
E rằng, chỉ có thể dùng hai chữ “nghiệt duyên” để hình dung tất cả những gì đã xảy ra.
Biết tin mẹ tự thú, tôi vội vã chạy đến đồn cảnh sát.
Tôi muốn gặp bà. Tôi có rất nhiều điều muốn hỏi bà. Nhưng mà, tôi chỉ nhận được lời thông báo lạnh lùng từ cảnh sát:
“Bà ấy không muốn gặp cô.”
Nhiều lần cố gắng gặp mẹ không thành, tôi đành phải quay về nhà.
Tôi nhờ Phó Hạm tìm giúp mình một luật sư giỏi nhất, muốn làm mọi cách để giúp mẹ ra ngoài.
Thế nhưng, bà không chờ được đến ngày đó. Thậm chí còn chưa kịp ra tòa, bà đã qua đời trong trại tạm giam.
Bà không tự sát. Trại giam quản lý rất nghiêm ngặt, bà hoàn toàn không có cơ hội để làm vậy.
Bà qua đời vì ung thư. Bệnh tình của bà đã ở giai đoạn cuối. Đến mức, không còn cách nào để điều trị.
Mãi đến lúc này, tôi mới biết rằng mẹ mình đã mắc bệnh nặng từ lâu.
Những bí mật của bà, tôi chỉ vừa mới biết được vài ngày, còn chưa kịp hỏi bà một câu. Vậy mà, một loạt những sự thật đau lòng ập đến, đánh gục tôi hoàn toàn.
Nếu không có Phó Hạm, tôi có lẽ sẽ không thể bước qua quãng thời gian ấy.
Trong suốt tang lễ, Phó Hạm lấy thân phận con rể mà đứng ra lo liệu mọi chuyện, không để tôi phải vất vả thêm chút nào. Anh tự mình xử lý từng việc nhỏ.
Tôi đứng trước di ảnh của mẹ, lặng lẽ ngắm nhìn.
Một tấm ảnh trắng đen, không có màu sắc. Nhưng khi nhìn vào nụ cười trong bức ảnh, tôi lại như thấy được hình bóng của một chiếc váy đỏ.
Tôi không kiềm được mà nhớ đến hình ảnh mẹ mình trong những năm tháng còn sống.
Bà luôn thích mặc váy đỏ, đôi môi cũng đỏ rực. Một màu đỏ rực rỡ, kiêu hãnh đến chói mắt.
Bà là một người như thế. Một con người đầy sắc màu, rực rỡ và sống động.
Vậy mà giờ đây, lại chỉ còn là một tấm ảnh đen trắng lạnh lẽo.
Sau tang lễ, tôi trở về nhà. Tôi muốn vào phòng mẹ, xem thử nơi bà từng sống những năm qua.
Khi mở cửa ra, tất cả vẫn nguyên vẹn như lúc bà còn sống.
Tôi đi đến bên bàn trang điểm của bà, nơi đó có một bức thư. Là mẹ để lại cho tôi.
Tôi run rẩy mở lá thư, đọc từng dòng từng chữ.
Đến lúc này, tôi mới hiểu. Hóa ra tất cả đều nằm trong kế hoạch của bà.
Cả cuộc đời bà đã trải qua quá nhiều đau khổ và mất mát, nhưng bà luôn có một ước nguyện cuối cùng: Trước khi chết, bà muốn nhìn thấy tôi kết hôn, muốn thấy tôi gả cho đúng người.
Người mà bà tin rằng sẽ yêu thương và bảo vệ tôi suốt đời.
Một người đã từng đồng hành cùng tôi từ thuở nhỏ.
Một người vẫn luôn nhớ đến tôi, dẫu cách biệt bao năm dài.
Một người dù đôi chân khiếm khuyết, nhưng trí tuệ và bản lĩnh không ai sánh bằng.
Một người có thể cho tôi một cuộc sống an toàn, yên ấm.
Người đó chính là: Phó Hạm.
Trước khi qua đời, mẹ tôi muốn gặp lại Phó Chí Thành một lần cuối cùng.
Bà muốn nhìn xem người đàn ông mà bà yêu cả đời, cũng hận cả đời ấy, giờ đây trông ra sao.
Trong thư, bà viết rằng, cả đời này, bà vốn muốn sống thật rực rỡ. Nhưng thật trớ trêu thay, bà lại gặp phải Phó Chí Thành.
Khi gặp nhau, bà chỉ vừa đôi mươi, là thời kỳ đẹp nhất của người phụ nữ. Còn ông ta đã qua tuổi bốn mươi, một người đàn ông thành thục và chín chắn.
Ông dễ dàng dùng lời lẽ ngọt ngào và sự khéo léo để chiếm trọn trái tim bà.
Từ yêu cho đến hận.
Hết lần này đến lần khác, họ quẩn quanh trong vòng xoáy của ân oán tình thù, dây dưa cả đời.
Trong thư, mẹ tôi nhắc đến chuyện xảy ra năm xưa ở miền quê.
Bà nói rằng, hôm ấy, bà đến kịp thời.
Khi ấy, quần áo của tôi đã bị gã kia xé rách gần hết. Nếu bà chậm thêm chút nữa, tôi có thể đã mất đi sự trong sạch của mình.
Bà nói, tối hôm đó, bà nhìn thấy tôi nằm ngất bên vệ đường, quần áo rách rưới.
Bà vội vàng chạy đến.
Còn tên khốn kiếp kia, thấy bà đến thì hung hãn tiến lên tranh cãi, định uy hiếp bà. Trong lúc xô xát, mẹ tôi đã vô tình đẩy hắn xuống sông.
Tên đó không biết bơi. Gã chật vật vùng vẫy giữa dòng nước lạnh, vừa hoảng loạn vừa gào thét cầu cứu.
Mẹ tôi đứng ở bờ sông, do dự hồi lâu. Bà đã từng có ý định nhảy xuống cứu tên đó.
Thế nhưng, khi ánh trăng chiếu sáng, soi rõ khuôn mặt của tên kia.
Bà sững sờ khi nhận ra: Kẻ đã có ý định làm nhục tôi, lại chính là con trai của Phó Chí Thành.
Thật là oan gia ngõ hẹp.
Đứa con trai mà Phó Chí Thành hết mực yêu chiều, đứa trẻ được cả thế giới xem như hoàng tử nhỏ, lại là một tên cặn bã, một kẻ dơ bẩn, mang theo ham muốn đê hèn mà nhắm vào tôi.
Từ giây phút đó, bà không còn do dự nữa. Bà đứng trên bờ sông, nhìn tên đó vùng vẫy từng chút, từng chút một, rồi cuối cùng chìm vào dòng nước đen lạnh.
Trong nửa cuối lá thư, bà tiết lộ lý do đã để tôi kết hôn với Phó Hạm.
Bà nói rằng, bà đã bí mật điều tra tất cả mọi chuyện.
Bà biết, năm xưa, khi còn là những đứa trẻ bị bỏ rơi trong viện phúc lợi, chúng tôi đã từng có một đoạn ký ức đầy gắn bó.
Bà biết rằng, Phó Hạm chưa từng quên tôi. Nhiều năm qua, dù không để lộ bất kỳ dấu vết gì, anh vẫn luôn lặng lẽ dõi theo và bảo vệ tôi.
Dù anh không bước ra ánh sáng, nhưng từ sau bóng tối, anh vẫn chưa từng rời xa tôi.
Đọc xong bức thư, nước mắt của tôi rơi như mưa.
Hóa ra, người đàn ông này, từ thuở ấu thơ đã từng dựa vào tôi mà lớn lên. Và khi trưởng thành, anh lại trở thành người bảo vệ tôi.
Chỉ khi đó, bà mới yên tâm giao tôi cho Phó Hạm.
Về chuyện lợi dụng tôi để trả thù Phó Chí Thành, bà chưa từng nghĩ đến.
Bút tích của mẹ tôi, giống hệt tính cách của bà: Phóng khoáng, tự do, không ràng buộc.
Bức thư dài vài trang, chữ viết hơi nguệch ngoạc, nhưng từng câu từng chữ đều chất chứa tình cảm.
Tôi có thể tưởng tượng ra giọng nói của bà qua từng dòng chữ ấy.
Bà viết rằng, cả cuộc đời này, bà và Phó Chí Thành vướng vào nhau quá sâu. Những yêu, những hận, những ân oán chất chồng.
Thậm chí bà cũng không rõ ai mới là người nợ ai nhiều hơn.
Vậy nên, bà chưa bao giờ có ý định lấy tôi ra để trả thù ông ta.
Bà chỉ muốn tôi hạnh phúc.
Chỉ cần người có thể mang lại hạnh phúc cho tôi là đúng người, dù đó có là con trai của Phó Chí Thành, bà cũng không quan tâm đến những hận thù đã qua.
Bà viết, ân oán là chuyện của đời trước, không liên quan đến tôi và Phó Hạm.
Trang cuối cùng của lá thư, bà để trống gần hết, chỉ viết một câu duy nhất.
Chính câu nói ấy, khiến tôi hoàn toàn sụp đổ.
Nét chữ của bà vẫn nguệch ngoạc như thường, nhưng từng nét bút đều rõ ràng, không một nét sai lệch.
Bà viết:
“Cả cuộc đời này, mẹ không thể sinh con. Cảm ơn con, đã làm con của mẹ.”
Tôi siết chặt lá thư trong tay, nước mắt không kìm được mà rơi xuống từng giọt lớn.
Người nên nói lời cảm ơn. Là tôi.
Tôi là đứa trẻ bị cha mẹ ruột bỏ rơi ngay từ khi chào đời.
Cảm ơn bà.
Vì dù biết tôi và bà không có chút máu mủ ruột thịt, bà vẫn một tay nuôi nấng tôi trưởng thành.
Người đời nói rằng: Khi còn ở thiên đường, mỗi đứa trẻ đều có quyền chọn mẹ cho mình.
Có lẽ, năm đó, tôi chọn sai người, nên bị nhẫn tâm vứt bỏ.
Nhưng 7 năm sau, bà đã đến, bà đem tôi về nhà, sửa lại lựa chọn sai lầm năm đó của tôi.
Cuối thư, ngoài lá thư tay, bà còn để lại cho tôi một chiếc thẻ ngân hàng.
Mật khẩu chính là ngày sinh của tôi.
Bên trong thẻ là toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của bà. Và cả “sính lễ” mà năm đó Phó Hạm đã trao.
Bà không dùng đến đồng nào, tất cả đều giữ lại cho tôi.
33
Nói cũng thật trùng hợp, ngày tôi làm lễ “đầu thất” cho mẹ, cũng chính là ngày Phó Chí Thành qua đời.
Ông mất trong lúc ngủ, đến khi người giúp việc phát hiện ra, thân thể ông đã lạnh ngắt.
Đối diện với tin tức này, Phó Hạm chỉ im lặng.
Anh im lặng cúp điện thoại. Im lặng đi gặp mặt người cha ruột lần cuối. Rồi lại im lặng hoàn thành lễ tang.
Phó Chí Thành vốn đã chuẩn bị sẵn di chúc từ rất lâu. Ông để lại toàn bộ gia sản cho Phó Hạm.
Còn Phó Thời Tranh và Phó Uyển, ngoài cái danh nghĩa “con nuôi của nhà họ Phó” ra, không được chia một xu nào.
Cách làm này, quả thật rất hợp với tác phong của Phó Chí Thành. Ông là người lợi ích tối thượng, chưa từng để tâm đến tình nghĩa.
Không chỉ là nhẹ nhàng rời bỏ, ông còn tàn nhẫn đến tận cùng. Ông sống cả đời theo đuổi chủ nghĩa lợi ích cá nhân, chỉ vì bản thân mình.
Đến cả lúc nhắm mắt xuôi tay, cũng không để lại bất kỳ thứ gì cho con nuôi của mình. Ngay cả một phần tài sản tượng trưng, cũng không có.
Vậy nên, trong tang lễ của ông, chẳng thấy bóng dáng Phó Thời Tranh và Phó Uyển đâu cả.
Lễ tang kết thúc, tiễn bước những người đến viếng, Phó Hạm ngồi trên xe lăn, dừng trước tấm bia mộ.
Anh cúi đầu, lặng lẽ nhìn chằm chằm vào tấm ảnh đen trắng phía trên.
Còn tôi, đứng một bên. Lúc này đây, ngoài im lặng, tôi không biết phải nói gì.
Thời gian trôi qua thật lâu, cuối cùng, Phó Hy mới lên tiếng, giọng nói của anh rất nhẹ, như gió thoảng qua:
“Ông ấy không phải người cha tốt, nhưng… ông ấy đã muốn bù đắp.”
Nói xong, Phó Hạm giơ tay, đặt một bó hoa bách hợp trắng tinh trước bia mộ.
Hoa bách hợp, loài hoa mẹ tôi thích nhất.
Tôi đã mang thai. Bác sĩ nói rằng sức khỏe của đứa bé rất tốt.
Một sinh mệnh mới xuất hiện. Là sự khởi đầu hoàn toàn mới cho cả hai chúng tôi.
Về sau, Phó Hạm thường ngồi ôm một cuốn từ điển. Anh ngày ngày lật từng trang sách, chăm chú tìm kiếm cái tên thích hợp nhất cho con chúng tôi.
Buổi tối, tôi nằm gối đầu trên đùi anh, mắt lim dim buồn ngủ.
Thế mà, giấc ngủ cũng không yên ổn. Vừa ngủ, tôi vừa mơ thấy những cái tên mà anh nghĩ ra. Toàn là những cái tên kỳ cục đến mức khiến tôi phát cáu.
Một ngày kia, tôi chịu không nổi nữa, đành đưa tay giữ lấy cuốn từ điển của anh, ấn mạnh xuống bàn:
“Đừng nghĩ nữa! Tên của con, để em quyết định!”
Phó Hạm ngẩng đầu lên, ánh mắt nghiêm túc:
“Gọi là gì?”
Tôi cầm cốc nước, uống một ngụm, tùy tiện nói:
“Nếu là con trai, gọi là Phó Quý. Còn nếu là con gái, gọi là Phó Quý Hoa.”
Nói xong, tôi tự gật đầu khen mình:
“‘Phó Quý Hoa’, hoa phú quý nhân gian. Thật có ý nghĩa!”
Phó Hạm nhìn tôi, một lúc lâu không nói gì. Đến khi mở miệng, anh lại cười:
“Hay thế này, chúng ta sinh ba đứa.
Một đứa gọi là Phó Quý.
Một đứa gọi là Phó Quý Hoa.
Đứa cuối cùng, gọi là Phó Khả Địch Quốc (ý chỉ giàu sang đủ sức địch cả một quốc gia).”
Tôi bật cười, rúc vào lòng anh, vòng tay ôm lấy eo anh:
“Thế thêm một đứa nữa nhé? Gọi là Phó Lệ Đường Hoàng (ý chỉ phú lệ đường hoàng).”
Bên tai là tiếng cười trầm thấp của Phó Hạm
“Được. Em nói gì, anh nghe nấy.”
Anh siết chặt vòng tay, giọng nói của anh, nhẹ nhàng nhưng vô cùng kiên định:
“Nếu là con gái, gọi là Phó Tâm.Tâm như ánh trăng, nguyện con cả đời yên bình, hạnh phúc.”
Đêm nay, ánh trăng sáng tỏ. Giọng của anh, còn ấm áp hơn cả ánh trăng ấy.
“Vậy còn con trai. Anh muốn nó như thế nào?”
Phó Hạm khẽ cười khi nghe tôi hỏi. Ánh mắt anh dịu dàng, nhìn thẳng vào mắt tôi:
“Giống như thằng bé năm nào trong viện phúc lợi. Dáng người nhỏ gầy nhưng khí chất quật cường. Đánh nhau thì hung dữ, chẳng khác gì một con sói con.”
Tôi cũng ngẩng đầu lên, ánh mắt dõi theo anh, rồi nhìn ra cửa sổ.
Ngoài kia, vầng trăng sáng treo cao trên bầu trời.
Thời gian trôi qua đã nhiều năm, từ cái ngày tôi và Phó Hạm còn là hai đứa trẻ ngây ngô trong viện phúc lợi ấy. Nhưng, vầng trăng trên cao vẫn là vầng trăng năm ấy.
(Hoàn)